Nuôi tôm tự phát gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển

Thứ Bảy, 01/08/2015, 09:31
Nhiều năm trở lại đây, người dân ven biển thuộc các huyện Phong Điền và Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đào ao nuôi tôm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do việc nuôi tôm còn mang hình thức tự phát, thiếu kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải... đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xã Phong Hải (huyện Phong Điền) được đánh giá là một trong những xã có nhiều “triệu phú” nhờ nuôi tôm khi toàn xã có gần 70ha nuôi tôm trên vùng cát, đạt doanh thu mỗi năm trên 3.500 tỷ đồng. Mặc dù định hướng phát triển kinh tế bằng việc nuôi tôm, nhưng biển nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải từ các ao tôm xả thẳng ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hiền (50 tuổi, ở thôn Đông Hải, Phong Hải) lo lắng nói rằng, để nuôi tôm, người dân trong thôn phải bắt đường ống dẫn nước biển vào hồ tôm; còn phía gần bờ biển, họ đào mương rãnh để thải nước thải. Nguồn nước này lâu ngày tích tụ thành từng lớp váng, có mùi hôi thối rồi chảy ra biển...

Cứ thế, bao nhiêu nước thải từ các hồ tôm đều được đưa ra biển khiến tôm, cá sống gần bờ chết hết. Ngoài Đông Hải, các thôn lân cận như Hải Thế, Hải Phú, Hải Thành còn có hàng trăm hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức tương tự làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, cho biết: Xã có 90 nhóm hộ tham gia nuôi tôm trên vùng cát, nhưng chỉ có một số ít nhóm hộ đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương bê tông và bể xử lý nước thải; các hộ còn lại thì trực tiếp xả thải ra môi trường...

Hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm ở xã Phong Hải xả thẳng ra biển.

Tương tự, dọc bãi biển đi qua địa bàn xã Điền Hòa (Phong Điền) cũng xuất hiện nhiều mương nước đen ngòm, nổi váng, bốc mùi hôi thối, do các chủ hồ tôm xả thải trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, những mương xả thải này không được che chắn khiến tình trạng ô nhiễm lan vào khu dân cư; một số giếng nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nước nặng mùi không dùng được.

Ông Nguyễn Đăng Xuân, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, thừa nhận: Địa bàn xã có gần 30ha nuôi tôm của người dân và doanh nghiệp, nhưng hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn các hồ tôm đều xả thải thẳng ra biển, rồi sau đó lại lấy nước biển vào nuôi tôm khiến tôm bị dịch bệnh, nước biển cũng vì thế mà ô nhiễm nặng…

Bên cạnh đó, do lợi ích kinh tế từ con tôm mang lại quá lớn, người dân vùng ven biển ở Thừa Thiên-Huế bất chất tất cả, kể cả việc chặt bỏ rừng phòng hộ chắn sóng gió bảo vệ làng mạc. Điển hình là vụ việc người dân ở xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) đốn hạ gần 15ha rừng phòng hộ ven biển vào tháng 4/2015 để lấy đất đào ao nuôi tôm. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND huyện Phú Lộc đã vào cuộc xử lý và ra quyết định xử phạt hành chính 26 hộ dân vi phạm, mỗi trường hợp từ 5 đến 6 triệu đồng.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VI, vấn đề nuôi tôm tự phát, không đúng quy hoạch gây dịch bệnh, ô nhiễm... đã được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn để tìm hướng khắc phục. Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm khoảng 3.000ha, hằng năm bình quân 1ha nuôi tôm cho thu nhập từ 4-5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển ồ ạt hồ tôm không theo quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là ô nhiễm môi trường vùng ven biển. “Hiện chúng tôi đang tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và ngân sách địa phương để từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các vùng cát ven biển, qua đó nâng cao sản lượng nuôi và hạn chế dịch bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra”, ông Nguyên nêu giải pháp.

Anh Khoa
.
.
.