Nuôi cá lồng bè tự phát gây ô nhiễm sông Tam Kỳ
Những ngày đầu tháng 6 này, trên sông Tam Kỳ, đoạn khối phố 7, phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có hàng chục lồng bè kiên cố nằm san sát nhau; đa số là nuôi cá diêu hồng, rô phi và cá trê lai.
Một chủ cá lồng bè trên sông Tam Kỳ đang dùng kéo cắt lòng bò, heo cho cá trê lai ăn. |
Theo quan sát, cá diêu hồng và rô phi, được các chủ lồng cho ăn bằng thức ăn bột công nghiệp; còn cá trê lai được một số chủ lồng mua nội tạng của bò, heo về cho ăn. Chủ lồng dùng kéo cắt nhỏ lòng heo, bò ra cho cá ăn, rải phân nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. “Do lòng heo, bò rẻ tiền nên chúng tôi tận dụng mua về cho cá trê lai ăn, vì đây là loài cá ăn tạp”, một chủ lồng điềm nhiên giải thích.
Qua tìm hiểu mới hay, việc nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Tam Kỳ diễn ra gần 2 năm nay, đa số chủ nuôi là người ở các địa phương lân cận, đầu tư kinh phí tương đối lớn. Anh T. ở gần bờ sông bức xúc nói: “Ngày trước sông ni sạch sẽ, nước trong xanh, tắm mát lắm; còn bây giờ không ai dám tắm vì sợ ngứa ngáy. Nước hôi tanh, ô nhiễm bởi xác cá chết, thức ăn và phân cá thải ra trực tiếp môi trường. Các chủ nuôi còn cho cá ăn cả lòng, nội tạng bò heo, mùi hôi thối theo gió xộc vào tận nhà khiến nhà ai cũng phải đóng kín cửa. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên xử lý, nhưng vẫn không thay đổi…”.
Ông Đoàn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cho biết, khu vực nuôi cá tại địa phương có 5 hộ nuôi, mỗi hộ khoảng 20 lồng. Đa số là người dân nuôi tự phát chứ không được phường cấp phép, còn tình trạng ô nhiễm, phường đã tổ chức kiểm tra, nói chung có ô nhiễm bởi thức ăn và chất thải của cá và đã mời các hộ lên làm việc, viết cam đoan theo chủ trương của TP Tam Kỳ nuôi đến cuối năm 2015 sẽ tháo dỡ”.