Nơi thờ 2 vị vua Lý bị biến dạng sau khi trùng tu

Thứ Ba, 05/04/2011, 09:10
Đình Tình Quang, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội là một trong những công trình văn hóa, lịch sử được trùng tu nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng. Thế nhưng sau cuộc trùng tu tốn kém, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này bị làm biến dạng.

Làng Tình Quang thuộc phường Giang Biên nằm bên con sông Đuống hiền hòa. Nơi đây có cụm di tích đình - chùa Tình Quang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993. Đình Tình Quang là nơi thờ hai vị vua tiền Lý, hậu Lý (Lý Nam Đế, Lý Chiêu Hoàng) và Đinh thống hộ quốc - Đinh Điền. Công văn số 24/UBND do ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Giang Biên ký ngày 21/3/2011 có nội dung: Sau khi đình Tình Quang được xếp hạng, UBND TP Hà Nội phân cấp cho UBND quận Long Biên quản lý.

Đình được xây dựng từ thời hậu Lê, được tu bổ lớn vào thời Nguyễn, hiện tại di tích gồm các hạng mục: Đại đình, Nghi môn, tả hữu mặc, hệ thống sân vườn và các công trình phụ trợ. Do các hạng mục di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị hủy hoại, tháng 10/2008, UBND quận Long Biên chủ trì cuộc hội thảo khoa học xin ý kiến tu bổ di tích.

Căn cứ vào kết luận của cuộc hội thảo, ngày 12/10/2009, UBND quận Long Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo đình Tình Quang. Ban quản lý dự án tiến hành lập phương án sơ bộ, xin ý kiến địa phương, ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn...

Một góc ao đình sau khi tôn tạo.

Ngày 26/4/2010, UBND quận Long Biên phê duyệt quyết định thực hiện dự án với quy mô diện tích xây dựng là 7.426m2, trong đó phần hạ tầng: Quy hoạch và hoàn thiện hệ thống sân vườn, tường rào, bồn hoa, cây cảnh, cải tạo kè đá hồ bán nguyệt, bán kính 21m, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện và chiếu sáng ngoài nhà.

Lễ khánh thành trùng tu đình Tình Quang được tổ chức long trọng đúng dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng sau đó không lâu, người dân địa phương lại có phản ánh về việc di tích bị biến dạng. Chúng tôi có mặt tại đình Tình Quang để "mục sở thị" những hạng mục mà người dân cho rằng đã được làm mới hoặc phá bỏ.

Ông Nguyễn Văn Tự, người từng trông coi đình Tình Quang tiếc nuối cho biết, nhà chủ táo ở phần hậu bầu của đình bị phá bỏ. Nhà chủ táo vốn là nơi để chuẩn bị lễ (như đồ xôi, luộc gà...) và nơi thay áo sống của ban tế (theo lệ làng không được làm những việc trần tục, kể cả thay quần áo trong đình). Nhà chủ táo bị phá bỏ khiến cho việc chuẩn bị đồ lễ cũng như thực hiện nghiêm cẩn các quy định của làng rất khó khăn. Ngoài ra, nhà hữu vu, tả vu cổ kính cũng bị phá bỏ và thay vào đó là xây dựng nhà 3 gian tiền bẩy hậu bẩy làm cửa bức bàn đã phá vỡ cảnh quan chung của ngôi đình. "Việc nâng sân quá cao, thay gạch cũ bằng gạch mới làm lấp đi một số hệ thống kiến trúc cổ của đình, điển hình phải kể đến trụ trước của đình bị lấp hết đế dưới...", ông Tự nói.

Thay đổi lớn nhất mà người dân địa phương nhìn thấy sau cuộc trùng tu này là biến ao đình từ hình vuông sang hình bán nguyệt. Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ cụm di tích đình, chùa Tình Quang thì ao đình thuộc khu vực A223, thuộc phạm vi "nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác". Việc san lấp một phần và thay đổi hình dáng ao đình khiến cho một số người dân không đồng tình.

Ông Đào Văn Lý cho biết, "thông thường vào dịp hội làng (18-2 âm lịch), ao đình là nơi hát quan họ... Với cái ao bị thu hẹp như hiện nay thì chẳng thể nào duy trì những hoạt động văn hóa dân gian như trước được".

GS Trần Lâm Biền, Cục Bảo tồn Di tích, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho rằng, những ao ở các ngôi đình ở gần sông thường do thiên tạo, nó là dấu vết chuyển đổi còn lại của các dòng sông nên rất quý. Theo Đông phương học, ao là huyệt thông âm dương và ông cho rằng nên trả lại cái ao tự nhiên để bảo tồn giá trị và cảnh quan cho cả ngôi đình. Thế nhưng, trong Công văn số 24/UBND ngày 21/3/2011 của UBND phường Giang Biên, việc trùng tu, tôn tạo ngôi đình hoàn toàn phù hợp với thiết kế đã được phê duyệt.

Trước đó, ngày 3/12/2010, Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng kiểm tra và nếu có việc lấp ao đình thì phải dừng ngay việc tu bổ và có biện pháp khắc phục nhằm bảo vệ di tích.

Ngày 31/3, trao đổi với ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban Quản lý Di tích Hà Nội chúng tôi được biết, hiện nay các cơ quan chuyên môn đang phối hợp với UBND quận Long Biên kiểm tra, đánh giá sự việc. Hy vọng rằng, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội sẽ sớm có kết luận về việc này

Cao Hồng
.
.
.