Nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường chậm di dời, do đâu?
Điều đáng nói, đã 16 năm trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có quyết định yêu cầu di dời NMXM Long Thọ, nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa được chuyển đến nơi khác khiến người dân bức xúc…
Tìm hiểu được biết, từ năm 1896, hãng xây dựng tư nhân Bogaert, Pháp đã xây dựng nhà máy vôi nước Long Thọ, nằm dưới chân đồi Long Thọ, cách trung tâm TP Huế khoảng 7km về phía Tây, thuộc phường Thủy Biều, TP Huế, để cung cấp vật liệu xây dựng.
Sau giải phóng, năm 1977, nhà máy Long Thọ được Nhà nước đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng lò đứng với công suất 20 ngàn tấn/năm.
Nhà máy Xi măng Long Thọ chưa được di dời ra khỏi TP Huế. |
Từ năm 1994 đến 2005, nhà máy này thuộc doanh nghiệp Nhà nước hạng I, với tên gọi Công ty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Long Thọ, sau đó đổi thành Công ty CP Long Thọ, với sản lượng sản xuất xi măng không ngừng tăng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau thời gian dài tồn tại, quá trình sản xuất xi măng của nhà máy Long Thọ đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân ở các thôn Trường Đá, Long Thọ, Đông Phước đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương yêu cầu xử lý tình trạng ô nhiễm, trả lại môi trường trong sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư…
Tuy nhiên, ngày qua ngày, NMXM Long Thọ vẫn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống của người dân, và có không ít người già, trẻ nhỏ phải nhập viện do chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ nhà máy. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung sống gần tuyến đường dẫn vào nhà máy đang loay hoay đóng cửa để hạn chế bụi bay vào nhà.
Ông Trung nói: “Chú thấy đó, bụi xi măng, bụi đường bám đen kịt, dày đặc trên cây cối dọc tuyến đường có xe chở xi măng đi qua. Những ngày này, trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ 39-40 độ C nhưng chúng tôi vẫn phải đóng cửa để hạn chế bụi bặm và tiếng ồn chứ không còn cách nào khác”.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về “phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường” đối với 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên toàn quốc, trong đó có NMXM Long Thọ. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên-Huế phải nhanh chóng di dời nhà máy này để đảm bảo quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế du lịch địa phương.
Lần lữa mãi đến cuối tháng 6-2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty CP Long Thọ gấp rút hoàn thành phương án di dời nhà máy ra khỏi địa bàn TP Huế. Song tới nay, việc di dời NMXM Long Thọ vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế, sau khi tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty CP Long Thọ thuê đất để di dời nhà máy, Công ty này đã cho ngừng hoạt động lò nung, di dời các xưởng sản xuất gạch không nung, gạch Terrazzo về cụm công nghiệp Thủy Phương, Hương Thủy.
Tiếp đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trạm nghiền xi măng tại cụm công nghiệp Thủy Phương để phục vụ việc di dời NMXM Long Thọ. Tuy nhiên do vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại điểm di dời mới nên đến cuối tháng 10-2018, Công ty mới có mặt bằng sạch để thực hiện dự án.
Dự kiến đến quý II-2020, Công ty CP Long Thọ hoàn thành việc di dời trạm nghiền clinker, hạng mục cuối cùng của NMXM Long Thọ đến vị trí mới…
Nói về việc NMXM Long Thọ kéo dài thời gian di dời, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do công nghệ sản xuất xi măng bằng lò đứng của NMXM Long Thọ đã quá lạc hậu, không còn phù hợp. Mặt khác, khu vực Long Thọ, Thủy Biều đã được phê duyệt chủ trương phát triển du lịch của tỉnh nên việc nhà máy chậm di dời, còn hoạt động là trái với quy định và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như của UBND tỉnh đã ban hành”.