Người dân bức xúc vì cầu dân sinh thi công “rùa bò”

Chủ Nhật, 13/08/2017, 07:39
Sông Trường chia cắt thôn 2, xã Sông Trà, huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam), thành 2 phần khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kể từ năm 2013 đến nay, mỗi khi thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại và tài sản của người dân qua lại sông Trường.

Do đó, người dân đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét cho xây dựng nơi đây một cây cầu kiên cố, giúp họ thuận tiện trong đi lại, giao thương buôn bán, vận chuyển lâm sản trồng được.

Đến tháng 4-2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương và UBND huyện Hiệp Đức cùng với Công ty CP Thủy điện Đăk Mi (chủ đầu tư) đã tổ chức khởi công xây dựng cầu dân sinh qua sông Trường, gồm 6 nhịp, với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, công trình cầu qua sông Trường chỉ mới thực hiện được 15% khối lượng công việc và bị bỏ dở, khiến người dân địa phương bức xúc. Ghi nhận tại hiện trường, chỉ có 1 mố và 2 trụ cầu chỏng chơ, công trình không có dấu hiệu của hoạt động thi công…

Trả lời về vấn đề này, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi 4 cho rằng, do diễn biến mưa lũ bất thường trong thời gian thi công, cũng như việc tính toán mực nước sông Trường phục vụ công tác đắp đê quây của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quây phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ.

Hiện tại, công ty đang phối hợp với tư vấn thiết kế và đơn vị thi công tính toán lại phương án đắp đê quây nhằm đối phó với mưa lũ bất thường để đảm bảo công trình thi công không bị gián đoạn.

Ông Nguyễn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cũng xác nhận, mưa lũ năm 2016 diễn biến phức tạp, cộng với việc xả nước phát điện của Cụm Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 nên mực nước sông Trường dâng cao. Do đó, việc xây dựng các hạng mục công trình cầu qua sông Trường bị gián đoạn và chậm trễ tiến độ so với kế hoạch.

Hiện nay, chủ đầu tư đang chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, thiết kế và tính toán lại phương án đắp đê quai để phù hợp với thực tế thi công, sau khi có phương án đắp đê quai tối ưu sẽ tiếp tục triển khai thi công. Người dân nơi đây mong muốn sớm có cây cầu để phục vụ sản xuất và cuộc sống.

Ngọc Thi
.
.
.