Mua bán trái phép thông tin cá nhân bị xử lý như thế nào?

Chủ Nhật, 31/08/2014, 14:28
Hỏi: Tôi rất hay nhận được những cuộc điện thoại hay email mời chào sử dụng dịch vụ, hàng hóa hoặc quảng cáo vô bổ. Bạn bè tôi cũng thường xuyên than phiền về việc này. Không biết họ lấy thông tin cá nhân của chúng tôi từ đâu mà cứ thường xuyên làm phiền bằng cách gọi điện, nhắn tin quảng cáo, tiếp thị dịch vụ. Xin hỏi quý báo việc mua bán trái phép thông tin riêng cũng như việc xâm phạm trái phép các mạng điện tử sẽ bị xử lý như thế nào? (Nguyễn Xuân, Đống Đa, Hà Nội).

Trả lời: Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Theo đó thì thông tin cá nhân của người khác không thể sử dụng tùy tiện công khai hoặc mua bán một cách trái phép.

Tùy theo tính chất và mức độ, các đối tượng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định của Chính phủ số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (có hiệu lực từ 15/1/2014). Nghị định có 8 chương và 104 điều đã quy định rất chi tiết việc xử phạt hành chính thuộc nhiều lĩnh vực, cả trong mua bán trái phép thông tin cá nhân cũng như xâm phạm trái phép mạng điện tử, đơn cử như sau: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông (điểm a khoản 5 Điều 66). Đối với hành vi tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng (điểm a khoản 4 Điều 66)…

Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 226 hoặc Điều 226a hoặc 226b của BLHS tùy theo đặc điểm, tính chất và nội dung cụ thể của việc vi phạm đó

Nguyễn Thúy Quỳnh (Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý)
.
.
.