Mật khu Hố Trầu - địa chỉ đỏ đang bị lãng quên

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:13
Ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Tương Bình Hiệp tha thiết: “Mong mỏi lớn nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tương Bình Hiệp là cùng được các ngành, các cấp và nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo và đề nghị cấp trên xét đề nghị công nhận mật khu Hố Trầu là di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Lo sợ trước sự lớn mạnh không ngừng của phong trào cách mạng 3 xã vùng Tây Nam huyện Bến Cát là An Điền, Phú An và An Tây, năm 1962, Mỹ ngụy thực hiện nhiều cuộc càn quét,bắn phá, đốt nhà, gom dân ở nhiều vùng ven. 

Để bảo vệ cơ sở cách mạng, nuôi dưỡng phong trào đấu tranh của quần chúng làm chỗ đứng chân vững chắc, bám trụ địa bàn, xây dựng lực lượng du kích vững mạnh, chi bộ xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương, đã thành lập mật khu Hố Trầu. 

Mật khu có diện tích khoảng 5ha, phía dưới là hàng kilômét đường hầm hình chữ chi, miệng hào được ngụy trang bí mật. Chung quanh hàng rào là hầm chông, hố đinh cùng các ụ chiến đấu. Vì vậy, mật khu Hố Trầu không chỉ là chỗ đứng vững chắc của lực lượng cách mạng, mà còn là tử địa của quân thù. 

Quang cảnh Mật khu Hố Trầu hiện nay.

Mỗi lần mở trận càn, địch chỉ dám ở vòng ngoài, không dám tiến sâu vào mật khu. Để kiểm soát được tình hình, chia cắt nhân dân với lực lượng cách mạng ở mật khu, địch thường xuyên huy động lính tiểu khu càn quét lập đồn bốt, phát quang bụi rậm, tổ chức các trận đánh úp bất ngờ vào mật khu nhưng chúng đều bị lực lượng cách mạng đánh trả quyết liệt. 

Trải qua nhiều trận chiến ác liệt trong một thời gian dài nhưng mật khu Hố Trầu vẫn tồn tại và ngày càng vững vàng trước kẻ thù, mang lại niềm tin cho cách mạng và nhân dân.

Ông Trần Quốc Cường - Chủ tịch Hội CCB Xã Tương Bình Hiệp, chỉ huy lực lượng du kích tại mật khu Hố Trầu vào những năm 1962-1970 kể lại: “Cuối năm 1966 đến đầu năm 1967, Mỹ ráo riết chuẩn bị mở đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2. Với tham vọng sẽ nhổ bỏ mật khu Hố Trầu, địch đã điều đến đây một trung đoàn chủ lực thuộc sự đoàn 5, 1 tiểu đoàn lính địa phương quân, một số lính bình định và 10 xe ủi cùng nhiều súng đạn, phương tiện cơ giới khác. Chúng đã cho xe ủi san bằng địa hình, tìm hầm bí mật, địa đạo để lùng bắt cán bộ. 

Tại khu vực vòng ngoài mật khu, trái nổ của ta đã phá hỏng 4 xe ủi của địch. Lực lượng C61 của ta đã kết hợp với du kích tổ chức đánh trả quyết liệt suốt trong 3 ngày đêm gây cho địch những thiệt hại lớn. Mãi 2 ngày sau trận đánh, địch mới dám điều trực thăng đến lấy xác đồng bọn. Địch còn thường xuyên đưa bọn thám báo, chỉ điểm, mật vụ, gián điệp trà trộn vào nhân dân để dò la tin tức, tìm cách “xóa sổ” mật khu. Được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng an ninh xã Tương Bình Hiệp đã bí mật,  bất ngờ tiêu diệt hàng chục tên ác ôn, chỉ điểm góp phần bảo vệ mật khu cho đến ngày toàn thắng”.

Trở lại mật khu Hố Trầu vào những ngày tháng 8 lịch sử này, chúng tôi không phải bồi hồi, trăn trở, bởi địa danh cách mạng một thời liệt oanh xưa này chỉ còn là một vùng đất trống, cây cỏ um tùm. Hệ thống đường hầm chằng chịt trước kia nay chỉ còn lại khoảng hơn 1km nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường hầm đã bị sạt lở, nhiều nơi miệng hầm và công trình ngầm đã lộ thiên, nhiều nắp hầm, ụ chiến đấu, hầm chông... không còn lại dấu vết. Đường đi vào mật khu hết sức sình lầy, rất khó tìm lối đi vào

Ngày 14/8, chúng tôi đến Phòng VH-TT TP Thủ Dầu Một tìm hiểu, ông Đoàn Hữu Gia - Trưởng phòng cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã phối hợp với một số ban, ngành của thành phố tiến hành thị sát mật khu Hố Trầu. Theo dự kiến trong quy hoạch xây dựng, Trung tâm VH-TT xã Tương Bình Hiệp sẽ xây dựng bia vinh danh mật khu. Tuy nhiên, do một số lý do, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thục hiện được. Nếu xã Tương Bình hiệp làm thủ tục đề nghị công nhận mật khu Hố Trầu là di tích, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ”

Ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Tương Bình Hiệp tha thiết: “Mong mỏi lớn nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tương Bình Hiệp là cùng được các ngành, các cấp và nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo và đề nghị cấp trên xét đề nghị công nhận mật khu Hố Trầu là di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân xã Tương Bình Hiệp cũng như nhân dân tỉnh Bình Dương muốn gìn giữ, tôn tạo mật khu Hố Trầu để cho các thế hệ sau ghi nhớ, chính quyền địa phương cần có phương án tổ chức bảo vệ những gì còn lại để mật khu Hố Trầu không bị quên lãng và hư hại theo thời gian.

Ngọc Ánh
.
.
.