Không thể phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân nghèo!

Thứ Ba, 15/06/2010, 15:09
Từ trong đồng sâu, núi cao lặn lội xuống điểm tập trung chờ bác sĩ khám chữa bệnh - phát thuốc, bệnh nhân nào biết những viên thuốc mà họ hân hoan đón nhận là thuốc quá date, kém chất lượng. Chuyện vi phạm y đức này tưởng khó tin nhưng có thật.

Điều tra riêng của Báo CAND cho thấy Đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM làm Trưởng đoàn đã coi thường sức khỏe, sinh mạng của bệnh nhân nghèo khi phát thuốc kém chất lượng cho họ.

Sự thật đau lòng

Thời gian qua, dư luận tại TP HCM râm ran chuyện một số đoàn y bác sĩ về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo nhưng thực chất là phát thuốc quá date (hạn dùng), thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Để làm rõ sự việc, 4h sáng 13/6, PV Báo CAND bám theo chiếc xe du lịch 50 chỗ ngồi chở Đoàn y, bác sĩ từ thiện Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.

Gần 7h sáng, xe dừng trước cổng chùa Linh Thứu thuộc địa phận xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nhìn thấy đoàn bác sĩ, nhiều bệnh nhân nghèo với gương mặt ủ dột vì nỗi đau bệnh tật bỗng bừng sáng, có người vỗ tay hoan hô, người săng sái tiến tới phụ khuân vác thuốc men, dụng cụ y khoa để các bác sĩ đỡ nhọc sức và có nhiều thời gian khám chữa bệnh cho bà con nghèo. 7h30' sáng, công tác khám chữa bệnh được tiến hành.

Sau khi được các y, bác sỹ khám bệnh, kê toa, bệnh nhân cầm phiếu ra ngoài sân, nơi có dãy bàn dài trải đầy thuốc chờ đến lượt nhận thuốc. Do lượng bệnh nhân đông, để tránh tình trạng bà con phải đợi lâu nên đoàn bác sỹ cắt đến 6 người làm công tác phát thuốc. Việc phát thuốc được thực hiện rất khoa học. Những bệnh nhân khuyết tật, già yếu được ưu tiên phát trước.

Tay cầm bọc thuốc vừa nhận được, như nhiều bệnh nhân khác, bệnh nhân Ngô Quang Hải, 46 tuổi, nhà ở Sóc Bế 1 sau khi cho biết từ lúc 4h sáng anh đã thức dậy đi bộ gần 2 giờ đồng hồ mới tới chùa, giọng hân hoan: "Tôi bị bệnh viêm khớp từ lâu nhưng không dám đến bệnh viện vì nghèo quá. May mà có đoàn bác sỹ tình nguyện về chùa. Các bác sỹ tốt lắm, hỏi thăm bệnh rất kỹ và cho tôi thuốc uống đến 6 ngày lận".  

Một số loại thuốc quá hạn được PV Báo CAND phát hiện.

Do anh Hải vội đi khi được một người cùng xóm cho quá giang về nhà nên chúng tôi chưa kịp xem chất lượng số thuốc mà anh nhận được. Tiến đến bàn phát thuốc, thử lấy vài vỉ thuốc xem kỹ, chúng tôi "tá hỏa" khi phát hiện nhiều vỷ thuốc bị cắt hạn dùng, như Meflavon-rutin 500mg, Fe.Folic, Atorvastatin 10g-cholestat điều trị tim mạch, Acipta-amlodipine 5mg dùng điều trị huyết áp, Primodil5-amlodipine,…

Có vỉ thuốc hạn dùng chấm dứt từ 11/2009 như Dehatacil-dexamethason 0,5mg-nhóm thuốc kháng viêm, nhưng người ta vẫn để trên bàn đợi phát cho bệnh nhân. Thấy người lạ nghía thuốc kiểu săm soi, một phụ nữ dáng người đậm đà tỏ thái độ khó chịu. Tiếp đó một người gầy hơn tự xưng tên Nga xuất hiện hỏi thăm chúng tôi dồn dập. Sau này chúng tôi mới biết bà ta là người phụ trách việc tiếp nhận và phát thuốc trong chuyến đi "từ thiện" này!

Giở bài thoái thác trách nhiệm

Chúng tôi đưa số thuốc quá date, không rõ hạn dùng đề nghị giải thích, bà Nga nguây nguẩy bảo làm gì có chuyện đó. Nhanh tay vốc một mớ thuốc khác, bà này vờ gí sát mặt xem rồi bảo tất cả đều là thuốc mới mua, hạn dùng đến năm 2011, 2013, tuyệt nhiên không đả động gì đến số vỉ thuốc không rõ hạn sử dụng.

Trước thái độ thiếu minh bạch ấy, chúng tôi đưa tận tay bà này vỉ thuốc Dehatacil-Dexamethason 0,5mg do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây sản xuất (thuốc kháng viêm, mua bán phải có toa bác sĩ) có ghi hạn sử dụng đến tháng 11/2009, đề nghị giải thích vì sao lại có mặt những vỉ thuốc quá date này trên bàn phát thuốc. Thay câu trả lời, bà Nga chuyển thái độ, nhẹ giọng bảo: "Sao kỳ vậy?" rồi lớn tiếng hỏi một người trong nhóm phát thuốc: "Cái này lúc nãy ai đưa vậy Huệ?".

Tiếp đó bà ta bảo những người đang phát thuốc: "Có thấy cái này thì bỏ ra". Chúng tôi hỏi tới thì bà Nga thoáng chút do dự rồi đổ lỗi bâng quơ: "Lúc sáng lên đường có một Mạnh Thường Quân cho một bọc thuốc, do vội đi chưa kiểm tra" (?).

Do lúc ấy có đông bệnh nhân, sợ bà con nghèo biết sự thật phũ phàng sẽ đau lòng và mất niềm tin vào đoàn bác sỹ nên chúng tôi yêu cầu bà Nga thu hồi số thuốc không rõ hạn dùng, thuốc quá hạn, không phát cho bà con. Khi ấy bà này mới giãn mặt. Chờ khi lượng bệnh nhân vơi dần, chúng tôi tìm gặp bác sỹ Trưởng đoàn và được biết ông này tên Nguyễn Quốc Dũng, làm ở Phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.

Ông Dũng khoe sáng giờ đoàn khám chữa bệnh cho 500 bệnh nhân, mỗi cơ số thuốc dao động 50.000-60.000 đồng/người. Giải thích về nguồn gốc số thuốc phát cho bệnh nhân nghèo, ông Dũng cho biết: "Một phần do mua mới, một phần do các Mạnh Thường Quân ủng hộ". Chúng tôi đề cập đến chuyện có lẫn thuốc quá date, không rõ hạn dùng, ông Dũng tỏ vẻ ngạc nhiên cho biết người phụ trách khối dược tên Nga. Hỏi tới chúng tôi mới biết bà Nga là điều dưỡng viên ở bệnh viện.

Nhiều khuất tất cần làm rõ!

Dù có giải thích, thì việc Đoàn bác sĩ từ thiện Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM do bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng làm Trưởng đoàn đã khiến một số người cùng tham gia chuyến đi từ thiện buồn lòng, mất niềm tin. Bà Nga chỉ là điều dưỡng nhưng lại được trưởng đoàn giao phụ trách mảng dược, một “lĩnh vực” mà bà này không có chuyên môn là vì cớ gì? Liệu có khuất tất gì chăng?

Và khi được giao trọng trách ấy, khi thuốc đã bày ra trên bàn và tiến hành phát cho bệnh nhân, cớ sao bà này lại không hay biết có lẫn thuốc quá date, thuốc bị cắt date, mà để đến khi PV Báo CAND phát hiện thì mới thừa nhận và cho thu hồi? Một điều cũng cần làm rõ là nhóm người phát thuốc rất đông nhưng sao không ai phát hiện được thuốc dỏm dẫu rằng số thuốc kia được để tênh hênh trên bàn? Họ quá ngây thơ hay biết nhưng làm ngơ, hoặc cố tình thông đồng? 

Dư luận hiện đang bức xúc trước những việc làm khuất tất trên, không ít người cho rằng hành vi ấy vi phạm nghiêm trọng về chuyên môn, y đức. Qua trao đổi với một bác sỹ, được biết phần lớn số thuốc bị cắt hạn dùng thuộc nhóm thuốc dùng trong điều trị tim mạch. Sẽ vô cùng nguy hại khi thuốc ấy được phát cho bệnh nhân, uống vào bệnh không những không thuyên giảm mà có thể xảy ra những biến chứng khôn lường.

Nếu vụ việc không sớm được Báo CAND ngăn chặn, sẽ có bao nhiêu bệnh nhân nghèo "được" phát thuốc quá hạn. Tác hại sẽ ra sao?

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.