Khốn khổ hàng chục năm vì quốc lộ 12 xuống cấp trầm trọng

Thứ Ba, 06/01/2015, 08:51
Quốc lộ 12 là tuyến đường nối 2 tỉnh vùng Tây Bắc là Lai Châu và Điện Biên. Tuy tách tỉnh đã hơn 10 năm, nhưng con đường lên Lai Châu vẫn được cánh tài xế mệnh danh là một trong những “tuyến đường đau khổ” hàng đầu Việt Nam, mùa hè thì bụi mù mịt, mùa mưa thì thường xuyên tắc đường và đối mặt với hiểm họa đá lở. Thậm chí, chỉ mới năm ngoái, cánh lái xe đi qua ai cũng phải chuẩn bị dây cáp và hành khách thì luôn phải sẵn sàng xuống đẩy xe.

Quốc lộ 12 chạy men theo bờ trái của sông Nậm Na (một chi lưu của sông Đà) qua huyện Tam Đường - Phong Thổ - Sìn Hồ - Mường Chà (thuộc tỉnh Lai Châu). Việc thi công các thủy điện Nậm Na 1 và Nậm Na 3 suốt những năm vừa qua đã tàn phá tuyến đường này nghiêm trọng (do sử dụng các phương tiện siêu trường, siêu trọng để chở vật liệu, máy móc xây dựng), biến quốc lộ 12 từ một tuyến đường thông thương trở thành một công trường ngổn ngang.

Việc xe cộ đi qua đây phải dừng 30 phút, một tiếng chờ xe cẩu xúc bớt đất đá mới qua được đã thành chuyện cơm bữa, đến mức không ai thèm than phiền. Đã hàng chục năm nay, tình trạng này diễn ra liên tục. Có mặt tại chuyến xe lên Lai Châu vào những ngày cuối tháng 12/2014, thời tiết khô ráo, thuận lợi, nhưng chúng tôi cũng phải dừng lại đến 2 lần để chờ xúc đất và chờ... tan bụi. Vợ chồng chủ xe, đã có thâm niên chạy trên tuyến đường này 6 năm cho biết: Đến bây giờ, đường đã tốt lắm rồi, nên chạy 200km đường này mới mất chừng 6, 7 giờ đồng hồ.

Như năm ngoái, chạy nhanh cũng phải mất 11 tiếng. Hai năm trước, hai vợ chồng còn có chiếc county 35 chỗ chạy đêm. Tuy nhiên, năm nay đã phải chuyển sang chiếc transit 16 chỗ chạy ngày, vì quá lo sợ  những nguy cơ có thể xảy ra trong đêm tối. “Đá như có mắt ấy cô ạ. Tối mình đi có cái gì đâu, sáng mai về thấy những hòn to như con trâu nằm chềnh ềnh giữa đường. Đêm tối mù mù ai biết đường nào mà nhìn,nó rơi vào đầu mình thì mình chịu. Mấy năm trước, mỗi lần ông ấy cầm lái, tôi  đều không ngủ được, nơm nớp, có những đoạn bánh xe cách bờ vực mấy chục phân, đất sạt là cả xe cả người xuống vực ngay. Sống thấp thỏm mãi, tôi quyết định chuyển sang chạy ngày, dù sao trời sáng, mình còn có mắt mình nhìn”. Hăng hái kể chuyện, người phụ nữ này còn khẳng định: “Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng mà đi qua đây thì ông ấy phải cấm ngay xe đêm, chứ không thì lại như cái tuyến Sa Pa ấy”.

Tình trạng bi thảm của quốc lộ 12 nối Điện Biên với Sơn La.

Việc sạt lở đường của quốc lộ 12 thì không ai còn lạ. Hồi tháng 6/2014, tuyến đường này đã bị chia cắt hoàn toàn do ảnh hưởng của trận mưa to kéo dài, xảy ra lũ quét khiến gần 20.000m³ đất đá từ ta-luy dương tại km59+820, khu vực cầu Nậm Pon (thuộc xã Xà Dề Phìn, Sìn Hồ) sạt xuống đường. Việc khắc phục phải kéo dài mất mấy ngày, xe cộ phải chuyển hướng khác.

Còn những việc chờ một đêm, hay vài tiếng vốn là chuyện... lẻ tẻ. “Mùa khô thì đường mới lành thế này thôi, chứ vào mùa mưa thì dữ lắm. Đất đá trên đồi có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, mà đường dưới bánh xe mình cũng vậy. Chúng tôi đi qua đây thấp thỏm lắm. Chả hiểu thế nào mà có tuyến quốc lộ nối 2 tỉnh thế này mãi chưa làm xong. Dân khổ quá mà không biết kêu ai” – một tài xế xe tải tâm sự trong lúc đợi xúc đất thông đường. Gần đây, một số điểm có được đầu tư sửa chữa, nên đã khá hơn, chứ trước kia đoạn qua Pa Tần, Nậm Pậy, xe nào cũng phải mang cáp theo để kéo.

Khách (thậm chí đã có cả khách nước ngoài) phải xuống đẩy xe là chuyện bình thường. Không chỉ đi lại khó khăn, người dân địa phương cũng khốn khổ vì sống chung với bụi. Cả nhà cửa, cây lá ven đường phủ kín một màu nâu vàng. Có những đoạn xe chạy phải bật đèn cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần có xe ngược chiều thì phải dừng lại cho tan bụi mới đi được tiếp. Đỗ chiếc xe máy ven đường chừng 2, 3 tiếng, yên xe đã phủ một lớp bụi dày như đã rêu phong cả năm không sờ tới.

Trao đổi với PV Báo CAND về tình trạng bi đát của tuyến đường, một lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết, văn bản kiến nghị phải có đến hàng chồng, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết. Thảng hoặc trên dọc tuyến, có vài ba chiếc xe cẩu, xe lu ra vẻ đang thi công, nhưng cũng chỉ túc trực để xúc đất đá chắn đường là cùng, chẳng làm cho tuyến đường tốt hơn lên. “Chúng tôi bây giờ chỉ mong tuyến đường được đầu tư cải tạo cho ra tấm ra món, cho dân đi lại bớt khổ, hàng hóa cũng dễ thông thương” – vị lãnh đạo tỉnh chia sẻ.

Đây cũng là ước mong chung của người dân Lai Châu sau hàng chục năm phải “chịu đựng” tuyến đường nguy hiểm này. Vào giữa tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải có phương án xử lý các đoạn đường sụt lún, xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa biết bao giờ chỉ đạo được thực hiện.

Hân Yến
.
.
.