Hàng trăm khách hàng tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba

Thứ Ba, 24/09/2019, 15:07
Ngày 24-9, người dân vẫn nườm nượp kéo đến trụ sở cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (số 674 đường Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10) để tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba. 


Theo cơ quan CSĐT, liên tục từ ngày 19-9 đến nay, số lượng người dân lên đến hàng trăm người kéo đến trụ sở cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (trên đường 3 tháng 2) để tố cáo hành vi lừa đảo của công ty Alibaba. Cơ quan điều tra phải huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ túc trực, hướng dẫn người dân làm thủ tục, cũng như đảm bảo an ninh trật tự. 

Hầu hết các nạn nhân đều rất lo lắng về số tiền họ đã đầu tư mua đất dự án của Công ty Alibaba, không biết có đòi lại được hay không.

 Bà Đ.T.K.P (ngụ TP Hồ Chí Minh) cho biết, bà mua 3 lô đất thuộc dự án Long Phước (Long Thành, Đồng Nai) và đã đóng tiền 4 đợt hơn 700 triệu đồng. 

Sau đó, bà P yêu cầu lãnh đạo Công ty Alibaba cung cấp các giấy tờ liên quan đến dự án, nhưng cuối cùng đại diện công ty Alibaba chỉ cung cấp cho bà P Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản liên quan của một cá nhân tại xã Long Phước (Long Thành, Đồng Nai) đã được sang nhượng lại cho Công ty Alibaba. 

Đây là khu đất trồng cây công nghiệp lâu năm. Bà P bức xúc: “Công ty Alibaba đã cố tình lừa người mua để chiếm đoạt tài sản. Vì thực tế, đây là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, không phải đất thổ cư để quy hoạch khu dân cư, phân lô tách thửa bán cho người dân, cũng không được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt".

Chị Đ.T.D (ngụ TP Hồ Chí Minh) cũng lo lắng, chị đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đặt mua 3 nền đất của Công ty Alibaba tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tháng 10-2019 là thời hạn công ty giao nền đất, nhưng chưa kịp mừng thì đã tá hỏa vì 3 nền đất chị mua đều là dự án "ma".

Người dân được cán bộ Công an hướng dẫn làm đơn.

Có rất nhiều khách hàng mua nền đất của công ty Alibaba đều thừa nhận, sở dĩ họ bị lừa là do mờ mắt trước những thông tin mời gọi quá hấp dẫn của đội ngũ nhân viên của công ty Alibaba. Mỗi lô đất có giá bán thấp hơn giá thị trường 30-40%. 

Sau khi khách hàng đồng ý mua, công ty con của Alibaba đứng ra ký “Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ” giữa công ty con Alibaba và khách hàng. 

Theo hợp đồng, khách hàng thanh toán 95% giá trị lô đất ngay sau ký hợp đồng, đợt 2 thanh toán 5% còn lại và nhận Giấy CNQSDĐ, công ty sẽ bàn giao nền đất cho khách hàng sau 6 hoặc 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng.

Sau khi ký “Hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng QSDĐ” và thanh toán tiền, khách hàng sẽ ký tiếp “Hợp đồng quyền chọn” với Alibaba. 

Trong “hợp đồng quyền chọn”, sẽ có nhiều phương án để khách hàng lựa chọn. 

Cụ thể, Alibaba sẽ thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị lô đất, thời gian thuê là 12 tháng; Khách hàng thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng cho lô đất và Alibaba sẽ mua lại với mức chênh lệch cao... 

Cụ thể như lô đất của dự án ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) có giá 640 triệu đồng, khi khách hàng chọn quyền thanh toán 50% giá trị lô đất cộng với trả góp 3 triệu/tháng. 

Sau 6 tháng, khách hàng sẽ thu về lợi nhuận 18% (công ty Alibaba thu mua lại). Tính ra, lợi nhuận mỗi tháng 3%, lãi cao gấp 5-6 lần khi gửi ngân hàng... Đó cũng là lý do khiến khách hàng ùn ùn đầu tư vào các dự án không có thật của công ty Alibaba.

Ngoài ra, trong “Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ”, chúng tôi nhận thấy nội dung hợp đồng có những điểm bất lợi, rủi ro cho khách hàng. 

Cụ thể, trong hợp đồng Alibaba yêu cầu khách hàng phải làm văn bản yêu cầu giao nền, trong khi trách nhiệm này đương nhiên Alibaba phải thực hiện. Vậy nên, nếu khách hàng không đọc kỹ hợp đồng, “quên” làm văn bản yêu cầu giao nền, thì chắc chắn khách hàng sẽ “gánh” phần bất lợi. 

Một điểm quan trọng nữa, đó là nội dung giao dịch giữa Công ty con Alibaba và khách hàng thực chất đó là việc huy động trước nguồn vốn của khách hàng, để thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ trong tương lai. Đây cũng giống như hình thức “góp vốn”... khi người dân đã đóng đến 95% giá trị lô đất, nhưng không biết Công ty Alibaba có đất để giao hay không, hoặc công ty có giao đất đúng như cam kết?

Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba tại cơ quan điều tra

Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra đã xác định, đường đi lòng vòng của các "dự án ảo" do các cá nhân là lãnh đạo của Công ty Alibaba vạch ra. 

Theo đó, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên, tiến hành thu gom, mua số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, rồi giao cho một số người thân trong gia đình đứng tên trên GCNQSDĐ. 

Tiếp theo, những cá nhân này ủy quyền cho các công ty "con" của Công ty Alibaba để những công ty này tự "vẽ" ra 40 "dự án" không có thật. Tất cả các "dự án" này đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng vẫn được quảng cáo sai sự thật là đất dự án để bán cho các khách hàng. 

Các công ty "con" ký hợp đồng giao Công ty Alibaba bán đất. Với thủ đoạn này, công ty Alibaba đã lừa bán đất cho 6.700 khách hàng, thu 2.560 tỷ đồng. Số tiền bán đất thu được, lãnh đạo công ty tiếp tục thu mua đất nông nghiệp để tạo “dự án” mới, trả lãi cho khách hàng, khuếch trương hoạt động của công ty và tiêu xài, đánh bóng tên tuổi cá nhân.

Hiện, CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh đang mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng khác có liên quan. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đề nghị các nạn nhân của Công ty Alibaba đến cơ quan công an trình báo để được bảo vệ quyền lợi.


Thúy Hà
.
.
.