Hoang thú quý hiếm bị sát hại ngay giữa khu bảo tồn thiên nhiên
Hàng chục con bò tót, sơn dương, khỉ mặt đỏ, gà lôi lam trắng, hoẵng, nai… ở vùng rừng Trừ Lấu (giáp ranh giữa 3 huyện Đakrông, Triệu Phong và Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã bị các thợ săn giết chết.
Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, Việt
Được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng và các thợ săn kỳ cựu ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, chúng tôi đã có mặt tại vùng rừng Trừ Lấu (giáp ranh giữa 3 huyện Đakrông, Triệu Phong và Cam Lộ) thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, mục đích xác minh thông tin bò tót xuất hiện số lượng lớn trong thời gian gần đây. Trong đó, 1 con bò tót đã bị giết cách đây gần 1 tháng.
Qua 2 ngày đêm lội suối, băng rừng, quang cảnh chúng tôi ghi được chỉ là những bãi chiến trường ngổn ngang cây cối, đồi núi bị tàn phá bởi nạn khai thác lâm sản trái phép, rà tìm phế liệu chiến tranh. Các thợ săn cho biết, trước năm 1987, rừng già Trừ Lấu vẫn còn nguyên sinh, nhưng từ khi tách tỉnh đến nay (năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên cũ tách thành 3 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình), vùng rừng này đã bị con người càn quét khốc liệt. Đau xót nhất là rừng già dưới độ cao 90m đã bị chặt phá hoàn toàn, trơ lại ở đó là những mảng đồi bị băm nát đỏ đục, những gốc cây gỗ già mục mủn xám đen trông như vết hoại thư vô phương cứu chữa trên cơ thể người.
Bên cạnh đó, các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng bị tận diệt không thương tiếc. Cách đây 4 năm, 1 đàn sói đỏ đông hàng chục con từ thung lũng Khe Ngàn bất ngờ kéo về xã Triệu Nguyên giết chết 20 con trâu của bà con. Chúng khỏe và hung dữ đến nỗi chỉ cần vài cú ngoạm vào họng và sườn con trâu thì kể cả những con trâu to khỏe nhất cũng lăn ra chết. Cả xã Triệu Nguyên hoảng sợ, huy động lực lượng, dùng dao, rựa, súng săn và nông cụ xua đuổi sói đỏ về đến vùng Cùa, huyện Cam Lộ. Tuy nhiên, nhiều con đã bỏ mạng trên đường tháo chạy do bị thương nặng.
Theo ông Trần Bình, một thợ săn lâu năm ở xã Triệu Nguyên, sở dĩ sói đỏ kéo về làng mạc, giết chết trâu bò là do con người tàn phá môi trường sống, săn bắn và dồn đẩy chúng đến nơi khô cằn nên chúng tìm cách trả thù… Sau khi đàn sói đỏ bị tan rã, người dân Triệu Nguyên thi thoảng vẫn nghe đâu đó giữa rừng tiếng tru lạc lõng, thảm thiết của đàn sói con. Cũng như đàn sói đỏ xấu số, hàng chục con bò tót, sơn dương, khỉ mặt đỏ, gà lôi lam trắng, hoẵng, nai… ở vùng rừng Trừ Lấu đã bị các thợ săn giết chết bằng lựu đạn, súng săn 2 nòng…
Theo tài liệu nghiên cứu rừng của Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, hiện nay Việt Nam đã ghi nhận được 224 loài thú, trong đó các loài thú đặc biệt quý hiếm như tê giác 1 sừng chỉ còn 3-5 con, voi không quá 100 con, bò xám 5-10 con, hổ không quá 100 con, bò tót chưa tới 200 con.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã cho xây dựng những Khu bảo tồn thiên nhiên quy mô lớn với tổng diện tích lên đến hàng trăm nghìn hecta. Theo đó, một đội ngũ đông đảo các cán bộ, nhân viên công tác trong ngành Kiểm lâm đã được đào tạo, bồi dưỡng sâu về chuyên môn, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác giữ gìn tài nguyên rừng của quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm nay, máu của rừng đã chảy, không chỉ có gỗ mà động thực vật cũng bị tiêu diệt… Riêng ở Quảng Trị, thực trạng về tài nguyên rừng chẳng khác mấy so với bãi chiến trường, trên đó nham nhở hố hầm, mảnh đạn và… máu. Muông thú không chỉ bị giết hại tại rừng, mà còn bị công khai bày bán dọc QL9, nhà hàng và quán ăn.
Theo thống kê sơ bộ của các ngành chức năng ở Quảng Trị, riêng 2 xã Triệu Nguyên, Ba Lòng hiện có tới 60% gia đình vào rừng săn bắn, bẫy bắt hoang thú với các hình thức khác nhau. Lãnh đạo huyện Đakrông và các cấp, ngành chức năng đã có nhiều chủ trương, biện pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm trên địa bàn, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của công tác này chưa đạt được như mong muốn, thậm chí không thể ngăn chặn được nạn săn bắn hoang thú. Có rất nhiều lý do. Trong đó, người ta có thể nhận thấy rõ ràng nhất là lực lượng chống "lâm tặc" còn buông lỏng quản lý…