Hành vi giả danh nhà báo, Công an để vụ lợi sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ Năm, 04/09/2014, 11:55
Hỏi: Thời gian vừa qua, có một số vụ án liên quan đến hành vi giả danh nhà báo, Công an để vụ lợi. Xin Tòa soạn cho biết hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào? Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng giả danh để chiếm đoạt tài sản cần có những biện pháp gì? (Phạm Mạnh Huy, Mê Linh, Hà Nội)

Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp trả lời: Hành vi giả danh phóng viên, Công an để vụ lợi được hiểu là hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 139 Bộ luật Hình sự) và phải chịu mức hình phạt tương ứng với hành vi và số tài sản mà bản thân chiếm đoạt của người khác. Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất áp dụng với tội này là tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trong trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt; chưa bị kết án hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích về tội chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013, với mức phạt lên tới 2 triệu đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định.

Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng mạo danh nhằm mục đích vụ lợi, cần áp dụng nhiều biện pháp:

- Xét xử lưu động hoặc công bố rộng rãi các vụ án đã xảy ra để mang tính răn đe cao, tác động tới những người đang có ý định thực hiện hành vi tương tự cần từ bỏ ý định đó.

- Đưa ra các dấu hiệu để dễ nhận biết, phân biệt hành vi giả mạo của các cá nhân tổ chức muốn thực hiện hành vi giả mạo để vụ lợi.

- Cần kiểm tra thông tin với cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cử người tới làm việc

Ban PL-BĐ
.
.
.