Hàng loạt dự án khu đô thị mới ở Cần Thơ: Chưa làm đã khó

Thứ Ba, 06/09/2005, 07:50
Còn nhớ, khi Cần Thơ chuẩn bị “lên đời” - thành phố trực thuộc Trung ương, hàng loạt nhà đầu tư "nhảy vào" đầu tư khu đô thị mới (KĐTM). Ai cũng mường tượng và hy vọng về một công trường rộn ràng và kết cuộc là một KĐTM hiện đại khoe mình dưới chân cầu Cần Thơ. Tuy nhiên, thực tế hiện đang hết sức đáng ngại: Hàng loạt dự án bị "đóng băng", có  nguy cơ "chết yểu",  người dân khổ, doanh nghiệp "rên", chính quyền đang lúng túng.

Tình trạng "đất ruộng giá trên trời" đang diễn ra gay gắt tại Ninh Kiều và Cái Răng - hai quận có số dự án đầu tư xây dựng KĐTM nhiều nhất. Giám đốc một dự án KĐTM Nam sông Cần Thơ cho biết: “Tùy diện tích và vị trí, mỗi dự án KĐTM phải mất từ 2 - 7 năm mới xong. Để triển khai dự án, sau khi được UBND thành phố phê duyệt các thủ tục hành chính, căn cứ vào khung giá của địa phương, chúng tôi lập phương án bồi thường thiệt hại với bà con trong vùng dự án để tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB).

Thời điểm năm 2003 về trước, đơn giá đền bù được áp dụng để GPMB là khá thấp so với giá giao dịch thị trường nên chúng tôi rất vất vả khi triển khai dự án. Cuối năm 2003, Cần Thơ thực hiện tinh thần chỉ đạo của trên buộc nhà đầu tư phải thỏa thuận với người có đất bị thu hồi về mức bồi thường, chúng tôi càng khổ hơn!”.

Khi  Nghị định 181 ra đời nhưng chưa có thông tư hướng dẫn rõ ràng, hàng loạt dự án KĐTM tại Cần Thơ tiếp tục bị chựng lại. Địa phương không kiềm được sự ổn định giá đền bù, không xác định được "giá trần" và "giá sàn" phù hợp với biến động của từng thời điểm nên chỉ một số ít doanh nghiệp may mắn không bị "kẹt phà" hoặc bị "kẹt" khoảng 20% diện tích (trên tổng diện tích dự án) phải áp dụng giá mới. Có điều, những dự án lân cận triển khai sau đó, chủ đầu tư đã bị người dân áp với giá mới này. Giám đốc một doanh nghiệp kể, trước kia, mức giá 100 triệu đồng/1.000 m2 của doanh nghiệp đưa ra đã được hầu hết người dân chấp nhận.

Chẳng bao lâu sau, một số hộ lân cận đòi lên 200 rồi 500 triệu đồng, doanh nghiệp vẫn phải "bấm bụng" trả. Nhưng rốt cuộc, doanh nghiệp của ông không thể có đủ 35 ha như được phê duyệt vì 1/3 diện tích cuối, người dân đòi giá 1 tỉ đồng/1.000 m2.  Tuy nhiên, mức giá vừa kể vẫn chưa phải là giá cao nhất. Ông Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hồng Phát cho biết, tại dự án KĐTM Cái Sơn - Hàng Bàng (quận Bình Thủy) của Công ty ông, đã có trường hợp đòi bồi thường với mức giá 1,5 tỉ đồng/1.000 m2 đất ruộng. Nếu không phải giao lại 30% đất sạch - đất thổ cư sau khi dự án hoàn chỉnh.

Chưa được tái định cư làm sao giao đất!

Chuyện giá cả trên trời khiến doanh nghiệp "rên" là có, nhưng nhìn từ góc độ chăm chút tái định cư cho người dân trong vùng dự án, phần lỗi của các chủ đầu tư không nhỏ. Theo Luật Đất đai 2003, cấp có thẩm quyền chỉ thu hồi đất khi có chỗ tái định cư cho chủ đất. Nhưng thực tế, nhiều dự án KĐTM của Cần Thơ dù chưa xong chuyện tái định cư vẫn cứ động thổ, khởi công.

Và có một thực tế đáng ngại khiến người dân càng băn khoăn hơn là khi tìm chỗ tái định cư, các ông chủ dự án chỉ nghĩ rằng đó là chỗ ở cho người dân, chứ không quan tâm đến điều kiện sinh sống, đặc biệt khả năng sản xuất kinh doanh sau đó. Trong số trên 400 đơn của người dân mà Đoàn kiểm tra tình hình thực thi Luật Đất đai của Bộ TN&MT nhận được tại Cần Thơ vừa qua, hầu hết khiếu nại về chuyện bồi hoàn hỗ trợ và tái định cư.

Ông trưởng đoàn Trần Hùng Phi - Phó vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê đất  đai, Bộ TN&MT lưu ý: "Cần Thơ cần có phương án thống nhất về bồi hoàn, tái định cư theo luật định, hoặc Nhà nước thực hiện hoặc giao cho nhà đầu tư. Quá trình thu hồi đất của dân phải bố trí tái định cư trước, đồng thời hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề theo tinh thần Nghị định 197 của Chính phủ".

Địa phương lúng túng, chờ hướng dẫn của cấp trên!

Ông Thiều Quang Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết: Công tác thu hồi đất, giao đất, giải tỏa bồi thường thực hiện các dự án phát triển kinh tế của Cần Thơ thời gian qua có nhiều vấn đề vướng mắc, nhất là các dự án đang thực hiện dở dang, do phải chuyển tiếp từ những quy định cũ sang mới của Luật Đất đai, các nghị định có liên quan. 

Trước khi thực hiện Luật Đất đai 2003 và các nghị định có liên quan, có khoảng 66 dự án đầu tư KĐTM (dân cư, thương mại) được triển khai. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8 dự án là triển khai tương đối đúng kế họach, còn lại đang "tiến thoái lưỡng nan". Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết đã uể oải vì khoản  nợ và lãi ngân hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng; hoặc đã "chết đứng" và có nguy cơ bị rút quyết định đầu tư.

Xung quanh chính sách đầu tư có liên quan đến đất đai, lãnh đạo Sở TN&MT Cần Thơ thừa nhận hiện địa phương còn lúng túng trong việc xác định các dự án không thu hồi đất, các công trình, dự án phát triển kinh tế cụ thể là công trình gì? Việc đấu giá đất công nằm xen với đất dân trong cùng một dự án là như thế nào? Đối với các dự án Nhà nước không thực hiện thu hồi đất mà giao nhà đầu tư tự thỏa thuận, nhưng có hộ không chấp hành, cố tình bất hợp tác thì sao? Cần Thơ đang trông chờ vào sự hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Người dân kiến nghị chính quyền cần có phương án thống nhất việc bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư theo luật định, nhất là phải tái định cư khi tiến hành thu hồi đất. Với những dự án đã giao đất, chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện, cần thu hồi lại. Nhà nước cần đứng ra thu hồi đất, bồi hoàn giải tỏa, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất công khai. Lúc đó, đơn vị tham gia đấu giá sẽ là những đơn vị có năng lực thực sự, quan trọng hơn là người dân có điều kiện giám sát quá trình đầu tư xây dựng các dự án. 

Nhiều doanh nghiệp bức xúc: "Không nên cho rằng, sau khi ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch, giao đất là xong, phần còn lại, doanh nghiệp tự bươn chải mà chính quyền phải hỗ trợ tiếp tục cho doanh nghiệp bằng những chính sách, cơ chế đảm bảo được sự hài hòa lợi ích của bộ ba: Nhà nước - nhà đầu tư - người dân".

Nguồn tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được từ ngành Thuế khi đang thực hiện bài viết này là việc tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp đầu tư KĐTM hiện mới chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.

                                                       

Thái Bình
.
.
.