Hàng chục hộ dân bỏ làng vì...cát biển

Thứ Năm, 15/09/2011, 09:29
Gần mười năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân sống ven biển của huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đang từng ngày sống trong cảnh hoang mang, lo sợ vì nạn cát bay, cát nhảy lấn chiếm ruộng vườn, đất đai. Hiện đã có ít nhất 27 hộ phải bỏ làng ra đi để kiếm nơi trú ngụ mới.

Trao đổi với PV, Trưởng thôn Tân Hải (một trong những thôn bị cát xâm thực lớn nhất của huyện Quảng Ninh), ông Nguyễn Thanh Sâm cho biết: "Sau năm 1975, hiện tượng cát bay, cát nhảy trở nên khắc nghiệt hơn. Cây cối cũng không hạn chế được những luồng cát mang theo hơi nước từ ngoài biển thổi vào. Người dân chống chọi với cát bằng đủ mọi cách nhưng chỉ như "dã tràng xe cát".

Ở thôn Tân Hải có nhiều người chịu không nổi nạn cát bay nên đã bỏ nhà, bỏ làng ra đi. Ông Sâm cho biết thêm, thôn Tân Hải, xã Hải Ninh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các thôn như thôn: Tân Định, Hiến Trung, Xuân Hải, Cừa Thôn. Đa số những hộ có điều kiện kinh tế khá giả thì di dời nhà đi nơi khác ở. Trong thôn còn 3 hộ phải chịu ở lại chống chọi với cát.

Vào mùa đông, cuộc sống của người dân nơi đây càng khổ cực gấp nhiều lần. Ăn bữa cơm cũng không ngon được vì nghe gió thổi mạnh là vội bưng mâm cơm chạy trốn khỏi cát rơi. Đồ đạc mọi thứ trong nhà đều được bọc nilon cẩn thận.

Chính quyền thôn cho xúc những núi cát gần làng, nhưng sau đó nó lại hình thành.

Cây cối, hoa màu trong vùng héo úa, chết khô vì bị cát lấp kín. "Những năm về trước, vùng đất ở đây khá phì nhiêu, trồng cây gì lên cũng xanh tốt, cải thiện phần nào cuộc sống của người dân miền biển. Nhưng giờ không một cây gì có thể sống nổi dưới lớp cát dày. Nếu người dân không bám víu vào biển làm ăn thì chẳng biết lấy gì mà sống trên mảnh đất khắc nghiệt, cằn cỗi này" - mệ Trần Thị Rớt (60 tuổi, thôn Cừa Thôn) than thở.

Theo chân ông Sâm lên những đống cát cao ngất, chúng tôi nhìn về dưới làng thấy không có gì ngoài cát là cát. Nhà cửa, ruộng vườn của dân bị cát bao vây, xâm lấn, những ngôi nhà bỏ hoang càng khiến làng mạc xơ xác, tiêu điều hơn. 

Để hạn chế tình trạng cát bay, cát nhảy, Tết năm nào chính quyền địa phương cũng ra quân phát động người dân lên vùng đồi trồng cây chắn cát. Nhưng cây trồng lên cũng không sống nổi qua hai năm vì theo như lời ông Sâm nói thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hơi biển mang sương muối làm cây chết mau chóng.

Biện pháp hữu hiệu nhất là xây dựng bờ kè chống xói lở, chống mặn xâm nhập, sau đó cho trồng cây phía trong mới hy vọng cây sống được. Nhưng để làm được công trình như thế cần chi phí rất lớn, vượt quá sức với chính quyền địa phương

Sông Nghèn
.
.
.