Hải Phòng khó xử lý tình trạng xả thải từ các cơ sở sản xuất

Thứ Sáu, 02/10/2020, 17:18
Tình trạng xả trộm, đổ trộm chất thải xuống nguồn nước đang diễn ra phổ biến trên địa bàn TP Hải Phòng. Nguy hiểm hơn, các chất thải chưa được xử lý đổ thẳng xuống hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nước phục vụ sản xuất và nước thô cho các nhà máy nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người…


Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn Hạ Câu, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, thời gian gần đây, kênh Cẩm Văn II bỗng dưng đổi màu vàng quạch, nặng mùi hóa chất…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt đông canh tác, tưới tiêu của bà con nông dân quanh khu vực. Đáng nói, nguồn nước tại con kênh này chạy thẳng ra sông Đa Độ, nơi cung cấp nước sạch cho hàng chục nghìn hộ dân của TP Hải Phòng. Tình trạng này tái diễn nhiều lần nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa chỉ ra được thủ phạm xả thải.

Gần 30 thùng hóa chất thả xuống, khiến kênh Hòa Bình từ trắng sang xanh

Đại diện chính quyền xã Quốc Tuấn cho biết, việc kênh Cẩm Văn II có màu vàng đỏ không phải mới đây mà diễn ra từ năm 2017, nhưng không thể tìm ra được nguyên nhân. Mặc dù đã xác định trên địa bàn gần tuyến kênh Cẩm Văn II có 4 nhà máy sản xuất về thép, mạ kẽm. Trong số này chỉ có công ty CP Mạ kẽm AMECC được UBND TP Hải Phòng cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, nhưng là giấy phép tạm thời từ năm 2016 và đến nay đã hết hạn. Năm 2018, công ty này đã bị xử phạt hành chính 320 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và buộc đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đã chủ động xử lý, ngăn chặn, khoanh vùng nguồn nước bằng các bao cát, đóng cánh cống tại khu vực này để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thẩm thấu ra sông Đa Độ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì khi mưa lớn, nước kênh sẽ vẫn tràn ra sông Đa Độ.

Từ khi các cơ sở sản xuất mọc lên, kênh Cẩm Văn II chuyển màu… đỏ quạch.

Còn trên kênh Bắc Nam Hùng là một nhánh của sông Rế chạy qua địa bàn huyện An Dương và quận Hồng Bàng cũng là một con sông quan trọng cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu 80% người dân TP Hải Phòng. Cách đây không lâu, đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải phát hiện vết dầu loang kéo dài gần 1 km. Tuy nhiên vụ việc sau đó không xác định được thủ phạm, do không có đơn vị nào… đứng ra chịu trách nhiệm.

Hay như trên kênh Hòa Bình (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh), mới đây lực lượng chức năng phát hiện gần 1 tấn chất thải không rõ đựng trong gần 30 thùng nhựa, khiến cả một đoạn kênh đổi màu nước từ trắng sang xanh, đủ để hình dung ra mức độ độc hại như thế nào. Ngay sau đó, vụ việc đổ trộm chất thải nguy hại khác xảy ra tại thôn Kênh Trạch (xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo) làm một người dân địa phương bị bỏng nặng hai bắp chân do lội qua. Cơ quan chức năng sau đó xác định chất thải đổ ra môi trường là chất thải lỏng, màu nâu đen, sền sệt, quánh, trong đó có thành phần là phenol và dầu. Đây là loại hoá chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm, có thể gây bỏng nặng khi tiếp xúc với da.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, tình trạng doanh nghiệp (DN) không có giấy phép và xả thải chưa qua xử lý khá phổ biến. Cụ thể với hơn 600 DN thuộc diện phải xin cấp phép xả thải vào nguồn nước, nhưng đến thời điểm này chưa đầy 400 DN được cấp phép. 

Đáng lo ngại là tình trạng DN đấu nối trực tiếp điểm xả thải ra hệ thống kênh mương thủy lợi rất phổ biến. Tính riêng trên kênh An Kim Hải thuộc hệ thống sông Rế có đến 365 điểm xả thải của các DN, còn lại gần 100 điểm là của các khu dân cư, hộ kinh doanh. Trong đó có 52 DN phải có giấy phép mới được xả thải, nhưng đến nay mới chỉ có 33 DN được cấp phép xả thải.

TP Hải Phòng đã phải chi nhiều tỷ đồng để xử lý chất thải độc hại đổ trộm tại huyện Vĩnh Bảo.

Để tăng cường công tác giám sát, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã xây dựng Trung tâm điều khiển tích hợp, dữ liệu môi trường, lắp các màn hình quan sát để cập nhật theo dõi các diễn biến về hiện trạng môi trường từ các trạm quan trắc tự động, hệ thống camera của các chủ nguồn thải. 

Nhưng Trung tâm mới chỉ tiếp nhận hình ảnh của 39 DN, trong đó có 8 đơn vị truyền dẫn dữ liệu quan trắc môi trường tự động. Con số này quá nhỏ, không đáp ứng yêu giám sát xả thải. 

Cùng với đó, số liệu quan trắc môi trường tự động nhận được từ chủ nguồn thải chưa có độ tin cậy cao do công tác kiểm chuẩn và hiệu chuẩn thiết bị chưa được nghiêm túc.  

V. Huy
.
.
.