Hà Nội lại tính chuyện xén công viên làm bãi đỗ xe
Đến thời điểm này, cuộc tranh luận về việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ (gọi tắt là Công ty Tây Hồ) được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy, có kết hợp dịch vụ thương mại vẫn chưa ngã ngũ.
Kể từ khi nghe tin Công viên Cầu Giấy bị “xẻ thịt” làm Dự án Bãi đỗ xe ngầm, đời sống của người dân Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã bị đảo lộn hoàn toàn. Cuộc sống vốn yên bình bỗng trở nên ngột ngạt, nặng nề bởi câu chuyện “lá phổi xanh” có nguy cơ bị “xén thịt”. Dù dự án mới chỉ đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhưng đã vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt vì người dân cho rằng, việc đầu tư xây dựng trên là bất hợp lý.
Mới đây nhất UBND TP Hà Nội lại vừa chấp thuận cho Công ty CP đầu tư HimLamBC là nhà đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Tổng số vốn đầu tư dự án lên đến hơn 1.700 tỷ đồng với thời gian hoạt động 50 năm; dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020. Được biết, bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ được xây dựng trên diện tích hơn 16.100m2; diện tích xây dựng có chức năng dịch vụ phụ trợ kết nối không gian ngầm và mặt bằng cảnh quan trên mặt bằng khoảng 638m2; diện tích bãi đỗ xe chuyên dụng của vườn thú trên mặt bằng khoảng hơn 2.000m2.
Tổng diện tích xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000m2 với 5 tầng hầm và tầng kỹ thuật. Được biết, sau khi xây dựng xong, Công ty TNHH Nhà nước MTV vườn thú Hà Nội được sử dụng chung diện tích đất trên bề mặt cùng với Công ty cổ phần đầu tư HimLamBC.
Trên thực tế, từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại: Công viên Thống Nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) đều chưa được khởi công.
Cùng với đó, việc đô thị hóa mạnh mẽ khi các nhà cao tầng trong nội đô mọc lên như nấm, các con đường vành đai và cả xuyên tâm nội đô mở rộng đã làm cho bầu khí quyển của Hà Nội luôn nằm trong tình trạng báo động.
Theo đó, chỉ số chất lượng không khí trung bình AQI tại Hà Nội tăng nhanh liên tục trong các năm qua. Điều này càng khiến người dân Thủ đô lo ngại khi “lá phổi xanh” từ các Công viên bị “xén” để thi công dự án. Một kiến trúc sư từng công tác tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, không thể ngây thơ tin vào lời thuyết trình của nhà đầu tư, màcần phải tỉnh táo, giữ cho được lá phổi xanh của thành phố, phải bảo vệ cho được không gian xanh cho cư dân, cho cộng đồng.
Kiến trúc sư này nhấn mạnh: “Không thể tạo ra tiền lệ xấu, cứ đất công viên là làm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại. Đã có dự án ở Công viên Thống Nhất, có đề xuất tại Công viên Cầu Giấy, sau này nếu tiếp tục đề xuất ở Công viên Hòa Bình nữa thì sẽ thế nào?”.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP cho biết, dù Hà Nội đang muốn tận dụng không gian ngầm để phát triển, đặc biệt là xây dựng bãi đỗ xe, nhưng chưa phê duyệt bất cứ dự án ngầm nào.
Theo ông Chung, từ năm 2013, HĐND TP đã thông qua nghị quyết khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào các không gian ngầm, không chỉ có công viên, mà cả tại những vị trí ngã ba, ngã tư có diện tích đất rộng. Từ 2016 - 2018, qua 3 hội nghị xúc tiến thương mại, UBND TP đã thông qua danh mục gần 40 dự án bãi đỗ xe ngầm, nhưng đến nay mới có 5 nhà đầu tư đăng ký.
“Với chủ trương như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ xin đầu tư bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy là phù hợp với chủ trương của TP. Tuy nhiên, hiện nay công ty này mới đang thuê tư vấn để khảo sát, trên tinh thần xây dựng hệ thống 3 tầng hầm, sau đó hoàn trả mặt đất, trồng công viên cây xanh bình thường để người dân vẫn còn diện tích vui chơi giải trí bên trên.
Đây mới là chủ trương, TP chưa phê duyệt mà còn đang xem xét. TP sẽ công bố công khai quy hoạch chi tiết của công trình này nếu được phê duyệt”, ông Chung nói.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiên nay thành phố có gần 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội. Tại các quận nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung với diện tích khoảng 37,88ha. Cùng đó, hiện có khoảng 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường với tổng diện tích khoảng 17,06ha. |