Doanh nghiệp với Báo Công an Nhân dân

Thứ Năm, 16/11/2006, 07:40
"Tôi thường nói với anh em trong cơ quan rằng, nếu mỗi sản phẩm chúng ta làm ra phải mất một chặng đường, thì doanh nghiệp chỉ là người cuối cùng làm ra sản phẩm đó, còn những phần trước là sự đóng góp của rất nhiều tập thể, cá nhân khác, trong đó có cơ quan báo chí".

Ông Phan Văn Tô, Giám đốc Công ty Phát hành Báo chí Trung ương: Tờ báo điển hình nhất trong các loại báo chí chuyên ngành

Có nhiệm vụ đặc thù là phát hành các loại báo chí trên cả nước, chúng tôi luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Báo CAND, nên có thể nói rằng, đây là tờ báo điển hình nhất trong số các loại báo chí chuyên ngành

Báo CAND có số lượng phát hành lớn nhất qua Công ty Phát hành Báo chí Trung ương, ước tính cả năm 2006 đã có con số gần 7 triệu tờ. Báo CAND cũng là một trong những tờ báo ngành được phát hành rộng rãi trên cả nước qua ngành bưu điện sớm nhất, từ cuối năm 1992. Với 4 ấn phẩm là Báo CAND hàng ngày (trừ chủ nhật), Văn nghệ Công an, An ninh thế giới và An ninh thế giới cuối tháng, Báo CAND đã trở thành tờ báo ngành có nhiều ấn phẩm nhất hiện nay.

Song hành từng chặng đường phát triển của tờ báo, chúng tôi cũng nhận thấy, Báo CAND là tờ báo ngành phát triển nhanh nhất, được thể hiện qua việc liên tục tăng kỳ xuất bản, có phạm vi phát hành rộng lớn toàn quốc với việc được in đồng thời tại 2 điểm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với hình thức thường xuyên được đổi mới, Báo CAND còn là tờ báo ngành có nội dung phong phú, phù hợp với đông đảo bạn đọc cả nước. Phát hành dày kỳ, nên thông tin của Báo được cập nhật nhanh chóng, đánh giá đa dạng các mặt của xã hội, có tính xã hội hoá cao, không bị cứng nhắc về nội dung của một tờ báo ngành.

Với ưu thế đó, Báo CAND đã đến được với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đến với bà con vùng nông thôn, miền  núi, vùng sâu, vùng xa…. Vì thế, Báo đã đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, góp phần đấu tranh và phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội…

Tuy nhiên, từ khi Báo CAND sáp nhập với Báo An ninh thế giới, tổng sản lượng phát hành có tăng lên nhiều, song sản lượng giữa tờ Báo CAND hàng ngày với tờ An ninh thế giới còn có sự chênh lệch lớn. Đây cũng là điều mà toà soạn cần quan tâm. Mặc dù Báo An ninh thế giới hàng tuần đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhưng mấy năm gần đây, Báo An ninh thế giới số Tết chưa được như kỳ vọng của độc giả về cả nội dung lẫn hình thức.

Một điều mà bạn đọc đang chờ đợi là, thời gian tới Báo CAND tiếp tục phát triển và ra thêm CAND chủ nhật để thông tin được cập nhật hơn.

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty DL&TM Nam Cường: Báo chí cần nói tiếng nói chung với doanh nghiệp

Ông Trần Văn Cường.

Trước hết, tôi xin thay mặt toàn thể CBCNV Công ty Thương mại - Du lịch Nam Cường chúc mừng Báo Công an nhân dân với 60 năm xây dựng và phát triển vững mạnh. Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường đa thành phần của đất nước ngày càng phát triển cùng với sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hòa cùng sự phát triển chung của đất nước, báo chí cũng cũng không ngừng lớn mạnh và phản ánh khá nhiều mặt của đời sống xã hội, kịp thời đưa được thông tin mới tới mọi miền của Tổ quốc. Báo chí cũng đóng góp vai trò tích cực trong việc thông tin về sự phát triển của các thành phần kinh tế. Thông tin về những doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân tiêu biểu với hình ảnh trân trọng được xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quan hệ giữa các doanh nghiệp với báo chí và nhân dân trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp và có những đóng góp tích cực trong việc động viên cổ vũ những thành công và chỉ ra những thiếu sót để thúc đẩy nền kinh tế hoạt động tốt hơn. Báo Công an nhân dân và các chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ công an đã có nhiều bài viết về những thành công và thất bại của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp giới kinh doanh tự rút ra được nhiều bài học quý trong thương trường.

Tuy vậy, trong thực tiễn hoạt động, giới doanh nghiệp nhận thấy nhiều trường hợp báo chí chưa nói tiếng nói chung với các doanh nghiệp. Tiếng nói chung ở đây được hiểu là, báo chí không chỉ phản ánh những cái được, cái hay, bỏ qua những việc làm sai sót của doanh nghiệp, mà quan trọng là phải nhìn nhận được những lợi ích, thành quả do doanh nghiệp mang lại.

Mục đích của doanh nhân là lợi nhuận, nhưng không phải lợi nhuận là tất cả, mà doanh nhân cần phải có tâm huyết và đạo đức trong kinh doanh, phải kết hợp giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, đặc biệt phải tuân thủ theo khuôn khổ luật pháp của Nhà nước. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi là một Công ty TNHH, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập khá, ổn định ở một số địa phương.

Hàng năm chúng tôi đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước nhiều tỷ đồng thuế và tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Các cơ quan báo chí cũng đã thông tin động viên doanh nghiệp có niềm tin về sự đóng góp đối với xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một vài nhà báo do không nắm chắc thông tin, chưa tìm hiểu kỹ và chưa thực sự  hiểu về kinh tế nên đã có những thông tin sai trái làm thiệt hại đến doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý khác.

Những sự việc đó đã làm sứt mẻ và giảm lòng tin của doanh nhân chúng tôi với báo chí. Vì vậy chúng tôi mong các nhà báo, các cơ quan báo chí đồng hành và có tiếng nói chung cùng doanh nghiệp, với mục đích cùng nhau xây dựng đất nước ngày một vững mạnh bằng tâm huyết và đạo đức của từng cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex): Mỗi sản phẩm của doanh nghiệp đều có đóng góp của báo chí

Ông Nguyễn Văn Tuân.

"Tôi thường nói với anh em trong cơ quan rằng, nếu mỗi sản phẩm chúng ta làm ra phải mất một chặng đường, thì doanh nghiệp chỉ là người cuối cùng làm ra sản phẩm đó, còn những phần trước là sự đóng góp của rất nhiều tập thể, cá nhân khác, trong đó có cơ quan báo chí".

Nói về những thành quả của Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam trong những năm qua, gắn với những công trình "dài theo đất nước" như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Dự án Nước sạch Hoà Bình- Hà Nội, Thủy điện Cửa Đạt... ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex có đánh giá khá lý thú như vậy.

Cách lý giải của ông sao nghe cũng thật lạ lùng, mà đời thực. Dự án Nước sạch Hoà Bình - Hà Nội hiện nay là một ví dụ. Ông Chu  ã tịch thực lòng bộc bạch, vào những năm 1970 đã có người nêu ý tưởng vạch rõ nhu cầu rất lớn về nước sạch cho vùng Thủ đô phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Rồi một Tổng Công ty có cỡ cũng đã mời đối tác nước ngoài khảo sát đánh giá lưu lượng nước sông Đà và dự kiến hành trình đường ống dẫn về Hà Nội...Nhưng vì nhiều lý do, dự án chưa thành hiện thực.

Tất cả những thông tin đó từ báo chí đem lại, ông Tuân lặng lẽ ghi nhận vào bộ nhớ của mình. Khi đã vào cương vị lãnh đạo của Tổng Công ty Vinaconex, ông không quên ghi chép những vấn đề "nóng" của Thủ đô, của đất nước: Đó là việc làm, nhà ở, là điện, là nước sạch, là trường học... cho cả cộng đồng. Tất tật những thông tin quý hơn vàng đó cũng từ báo chí, chỉ có điều khi chủ trương giải quyết vấn đề gì thì theo ông phải cân nhắc kỹ cả hai yếu tố “cần” và “đủ”.

Khi nào "cần" và bao giờ "đủ" để doanh nghiệp chớp  lấy thời cơ, ấy cũng do báo chí mang lại. Kinh tế xã hội của Hà Nội những năm qua phát triển như vũ bão về mọi mặt. Dân số hiện nay gấp 5,6 lần thời hoà bình lập lại. Hàng loạt khu công nghiệp ra đời, hàng triệu người nhập cư Thủ đô. Trong khi vài chục giếng khoan già cỗi thì lấy đâu ra nước cấp cho đủ. Thiếu nước là điều khó tránh, dự án đầu tư cung ứng nước sạch của Tổng Công ty Vinaconex cũng vì thế hình thành  và trở nên khả dĩ.

Dân số tăng thì nhu cầu về chỗ ở tăng, đấy là quy luật cung - cầu. Nhưng làm gì có ai đến ở mà lại không ăn, học hành, thể dục, chữa bệnh...Triết lý giản đơn đó những cán bộ Vinaconex thấm nhuần, được lấy từ những bài báo viết về những căn phòng "treo trên giàn giáo". Hình ảnh những căn nhà chật chội, ẩm thấp thời bao cấp gieo vào đầu những cán bộ xây dựng sự sợ hãi, rồi chồi sinh mơ ước những ngôi nhà "cao, cao mãi!". Nên khi đầu tư xây dựng khu đô thị, thì phải hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của người dân, dẫu chưa thật sự toại nguyện. Thất bại của dự án này là bài học của dự án khác, công trình khác, đơn vị khác…Tất cả không nhiều thì ít đều  được báo chí cung cấp những thông tin cần thiết.

Báo chí nói chung trong đó có Báo CAND thời gian qua đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực với việc phanh phui hàng loạt các vụ án cũng chính là góp phần xây dựng doanh nghiệp. Câu chuyện đấu tranh để bảo vệ thương hiệu Việt qua hàng loạt các sự kiện thời gian qua, chẳng phải là sự khăng khít của báo chí với doanh nghiệp đó sao? Ấy còn là bài học quý cho mọi doanh nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập sân chơi lớn WTO.

Dấu ấn gần đây nhất với Vinaconex là những vấn đề báo chí nêu xung quanh Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Cẩm Phả. Không chối từ sự thật. Không bao biện sai trái. Vinaconex xem đây là cơ hội tốt để sửa lại mình, tiếp tục phát triển đáp ứng mọi tiêu chí do các nhà chuyên môn đặt ra.

Tuy nhiên theo ông Tuân, khi đặt bút viết về bất cứ vấn đề kinh tế nào, nhất là những chuyện được xem là tiêu cực, nhà báo và các cơ quan báo chí nên xem xét thận trọng. Một bài báo đúng có thể góp phần động viên doanh nghiệp, nhưng nếu có bài báo với thông tin không đúng, thì ngay lập tức sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của doang nghiệp. Báo chí với doanh nghiệp sẽ còn có nhiều những mối quan hệ không thể tách rời, để rồi cùng đồng hành trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

Thanh Hằng, Tuấn Tú, Khánh Chi (ghi)
.
.
.