Di cư tự do và những hệ lụy

Thứ Bảy, 28/12/2013, 10:07
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tây Nguyên luôn là “thiên đường” lý tưởng thu hút mạnh mẽ các luồng dân di cư tự do (DCTD) không theo kế hoạch. Tính đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 35.431 hộ với 140.727 khẩu DCTD thì gần phân nửa đang sống vạ vật, “tạm trú” trong rừng. Vượt qua chặng đường với muôn trùng xa xôi cách trở, họ ước mong sẽ đổi đời nơi vùng đất mới. Thế nhưng, mọi thứ đã vỡ tan khi ngày qua ngày người dân DCTD phải đối diện với cuộc sống đầy thiếu thốn, tạm bợ ở chốn rừng sâu…

Bài 1: Những cánh chim lạc đàn

Giờ đây, đường vào thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) không còn phải trèo đèo lội suối gập ghềnh như xưa. Con đường đất đỏ được san ủi bằng phẳng với hai bên vệ đường là những nương sắn, rẫy bắp… xanh hun hút tầm mắt. Phảng phất đâu đó vẫn còn những bóng cây kơ-nia cao vút, sừng sững giữa cái nắng chói chang của đất trời Tây Nguyên ngày cuối năm.

Đó là thứ cây “may mắn” không bị lưỡi dao, lưỡi rìu đốn hạ. Còn lại là vô số những gốc cây to, những khúc gỗ tròn bị đốt cháy đen nhẻm vẫn còn sót lại nằm ngổn ngang trên nương rẫy.

Thôn Bình lợi nằm trong một thung lũng khá bằng phẳng, với hàng trăm nóc nhà bám theo trục đường, ngay trung tâm thôn vẫn còn dấu tích của rừng với những gốc cây to vài ba người ôm mới xuể. Đón chúng tôi, đồng chí Hoàng Ngọc Cường, Công an viên thôn, cho biết: “Thôn này được tỉnh quyết định thành lập từ năm 2009, tới nay có 195 hộ với 822 khẩu. Năm 2004 tôi vào mới chỉ có 19 nóc nhà, giờ đông rồi. Ở thôn, mỗi hộ gia đình có 10 đến 15ha đất sản xuất không phải là chuyện hiếm, hộ ít nhất cũng khoảng 2ha. Bà con cứ chặt rừng là có đất thôi”.

Với cách này, mặc dù nhiều lần bị lực lượng chức năng vào dỡ nhà, lán trại, thậm chí còn tổ chức đưa bà con ra tận bến xe để trả về quê nhưng rồi đâu lại vào đấy, bà con cứ làm “liều” trở lại bám trụ bằng được. Sau nhiều tháng không chịu trả đất, cuối cùng chính quyền sở tại cũng phải “xuống nước” nhường đất cho bà con. Thế là gần một nghìn người dân DCTD cũng có đất để “cắm dùi”.

Nhiều đứa trẻ ở vùng di cư tự do mới 13-14 tuổi đã tay bồng tay bế con thơ.

Tuy nhiên, để duy trì được cuộc sống quả thật quá khó khăn với chừng đó con người ở thôn Bình Lợi. Ngày qua ngày họ lầm lũi, bằng lòng với số phận. Không điện, không trường học, không trạm y tế, thậm chí không có cả nước sinh hoạt và nước tưới cho hoa màu. Cả thôn chỉ có 30-40% bà con biết chữ, con em trong thôn ai có điều kiện thì gửi ở nhà bà con xa để học, còn không thì cứ cho ở nhà lên rẫy mót khoai, mót sắn, làm “bạn” với nạn mù chữ.

“Nhà mình có 2 đứa con đang đi học xa nhà, đứa lớp 6 thì gửi ở nhà anh trai bên huyện Cư Jút của tỉnh Đắk Nông, còn đứa học mẫu giáo đang ở nhà ông bà ngoại ở tận xã Ea Mró, huyện Cư Mgar. Suốt ngày chỉ có 2 vợ chồng đi ra đi vào, mỗi năm mới được gặp con 2 lần vào hè và Tết. Buồn, nhớ và thương con lắm nhưng đành chịu”, anh Triệu Văn Nam, Trưởng ban Mặt trận thôn Bình Lợi tâm sự.

Trời nhập nhoạng tối, những ngôi nhà trong thôn bắt đầu nổi lửa để… thắp sáng. Gọi là nhà cho sang, chứ có mấy ngôi nhà thực sự đúng với cái tên gọi của nó. Đa số chỉ vài ba mái tôn được chống trên những thanh gỗ, nền đất, làm chỗ tránh mưa, tránh nắng qua ngày bởi nơi đây, hơn phần nửa người dân trong thôn thuộc diện hộ nghèo. Nay không còn rừng để phá, đất sản xuất thì nhiều nhưng cũng chỉ trồng vài ba cây đậu, cây sắn qua ngày nên vẫn không khá lên được.

“Cũng may nhờ chính quyền quan tâm làm cho con đường chứ không thì chẳng biết đến khi nào mới cất đầu lên được. Lúc đường chưa thông, sản phẩm người dân làm ra muốn bán cũng rất gian nan, thứ mua thì đắt đỏ mà thứ bán chỉ giá bèo...Trăm cái khó như đổ xuống hết cái vùng heo hút này” - giọng đồng chí Công an thôn Hoàng Ngọc Cường buồn rười rượi.

Rời thôn Bình Lợi, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào bản Mông xã Cư Kbang của huyện Ea Súp. Từ trung tâm huyện đi vào, qua khỏi ngọn núi Cư Kbang, rừng ở đây bỗng như “mở toang” ra trở nên quang đãng, rộn ràng dưới tán rừng thưa thớt là nhấp nhô những mái nhà tranh, những chiếc váy đủ màu sắc sặc sỡ... Điều kỳ lạ là gần như con người ở đây không muốn tiếp xúc với “khách lạ”. Thấy chúng tôi, một phụ nữ đang phát rẫy ngẩng lên nhìn rồi “lẻn” nhanh vào khu bụi rậm mất hút. Gặp cụ già đang phơi đậu ngoài đường, chúng tôi hỏi gì cũng chỉ cúi gằm mặt nói mỗi một câu “mình không biết gì đâu…!”.

Hỏi về hiện tượng lạ của người trong xã, anh Hoàng A Páo, một trong những trưởng thôn của người Mông cho biết: “Họ sợ bị vận động nên đề phòng đấy mà. Bà con ở đây hầu hết đều là dân DCTD tới định cư trái phép, đi tới đâu phá rừng tới đó. Hiện tại chính quyền địa phương đã chấp nhận họ nhưng vì xếp chỗ định cư mới khá xa bản cũ nên họ sợ mất đất, gặp người lạ họ đề phòng dữ lắm”. Qua tìm hiểu, để giữ đất, dân DCTD ở đây đã chấp nhận cuộc sống lầm lũi chốn rừng sâu, thiếu thốn đủ bề. Đã đói cái ăn, thiếu cái mặc nhưng một điều lạ là dân số nơi đây không hề ít một chút nào.

Trung bình mỗi hộ có từ 9 đến 10 khẩu. Đã nghèo lại đông miệng ăn, con cái nheo nhóc. “Kế hoạch làm gì chứ, con cái là trời cho mà. Trời sinh voi ắt sinh cỏ, đông con cho vui cửa vui nhà lại thêm suất lao động. Quanh năm ăn khoai độn sắn chúng cũng lớn vù vù đấy thôi”, chị Thào Thị Dia, một người dân trong thôn vui vẻ nói. Nhìn ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ nổi bật trên khuôn mặt đen nhẻm, nhem nhuốc bùn đất, áo quần xộc xệch mỏng tang không đủ ấm, tóc tai bù xù nhưng vẫn… nhoẻn miệng cười chúm chím quả thật chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Trẻ em nơi đây, mới mấy tháng tuổi đã trên lưng mẹ lên rẫy, 5 hoặc 6 tuổi đầu thông thạo chuyện nương rẫy là điều rất đỗi bình thường. Được hỏi, cháu Vàng Thị Seo (11 tuổi) bẽn lẽn cho chúng tôi biết: “Cháu học đến lớp 4 là nghỉ. Bố mẹ bảo biết chừng đó cái chữ là được rồi, về lên rẫy phát cỏ trồng bắp, trồng sắn để còn có cái ăn và cũng chuẩn bị để lấy chồng nữa!”. Thế mới biết tảo hôn đã và đang là vấn đề nổi cộm nhức nhối trong phong tục của đồng bào DCTD nơi đây. Trẻ em mới 13, 14 tuổi đầu nhưng đã con bồng con bế, quanh năm đầu tắt mặt tối chăm lo đời sống vợ chồng. Tuổi thơ những đứa trẻ nơi đây luôn gắn liền với công việc nương rẫy, những mối lo toan, vất vả khiến chúng già đi rất nhiều so với tuổi.

Hàng trăm ngôi làng định cự “bất hợp pháp” hoặc hợp pháp trên mảnh đất Tây Nguyên. Năm này qua năm khác, hàng nghìn mảnh đời của dân DCTD ngày qua ngày vẫn cứ thế gắn bó với chốn “thâm sơn cùng cốc”, đang trở thành mối đe dọa của rừng và gánh nặng cho địa phương.

Nhưng hơn thế, con cháu của mấy nghìn người này, những mầm non tương lai, lại “tiếp bước cha anh” lạc lối chốn rừng hoang, lầm lũi không biết bao giờ mới thay đổi được số phận

Văn Thành
.
.
.