Xây chốt Dân phòng án ngữ trước cửa nhà dân:

Chính quyền không nên để tái diễn nhà siêu mỏng, siêu méo

Thứ Tư, 01/07/2015, 09:20
Trong đơn bà Nguyễn Thị Kim Sinh gửi tới Báo CAND cho biết, nhà bà tọa lạc tại số 702/19/5/9A đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Sau khi đường Thống Nhất giải tỏa xong, UBND phường 15, quận Gò Vấp cho xây một Chốt dân phòng (CDP) che hết tầng 1 và phía trước căn nhà của bà, bà đã làm “Đơn xin cứu xét” gửi đến nhiều cơ quan chức năng để kiến nghị gỡ bỏ công trình xây dựng này nhưng không được giải quyết thấu đáo.
Theo ông Nguyễn Khả Chính, Trưởng phòng Đô thị quận, nhà bà Sinh có một con hẻm chắn trước mặt tiền nhà. Và trước đó có nguyên một dãy nhà mặt tiền đường Thống Nhất, xây kết cấu 1 trệt, 1 lầu. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi “dự án Đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên” trên địa bàn quận Gò Vấp thì nó bị giải tỏa, bị lấy mất một phần.

Chủ các miếng đất này đã muốn giải tỏa trắng để được chi phí bồi thường cao hơn. Chủ hộ là bà Đào Thị Tuyết (địa chỉ 26/296 Thống Nhất, phường 15, Gò Vấp - thuộc tờ bản đồ số 6, thửa 19 + 20, gói 8) đã đồng ý giao luôn cả phần đất mà không bị giải tỏa cho chính quyền nhà nước. Sau khi giải tỏa miếng đất này, UBND quận đã ra quyết định thu hồi và quản ly.”. 

Theo Quyết định 8596/QĐ-UBND của UBND quận Gò Vấp ngày 15/11/2013 về việc thu hồi 19,5m² đất (vị trí xây dựng CDP - PV), xác lập tài sản công với lô đất này, thực tế hiện trạng khu đất 19,5m², do Phòng Đô thị quận Gò Vấp cung cấp cho thấy, có hình tam giác và có thể đã đủ điều kiện để quy thuộc về đất “đầu thừa đuôi thẹo” sau khi thực hiện các dự án và xử lý với tình trạng đất loại này như thế nào là điều mà chúng tôi quan tâm.

Được biết, trước đó, ngày 4/9/2014, ông Lê Hoàng Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng cho biết: Với những mảnh đất nhỏ lẻ “sót lại” ngoài ranh dự án, quận Gò Vấp cũng có nhiều phương án giải quyết. Chẳng hạn cho người dân hợp khối, chuyển nhượng cho người lân cận để tạo thửa đất đủ chuẩn hoặc nếu có nhu cầu giao cho nhà nước thì quận thu hồi. Nói chung thực hiện không quá khó khăn vì chủ yếu các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Hình ảnh phản cảm của chốt dân phòng thuộc Ban điều hành khu phố 7 (phường 15, Gò Vấp) trước cửa nhà bà Sinh.

Còn cách đây chưa lâu, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cũng từng nhấn mạnh tại buổi họp về tiến độ triển khai dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày 7/3/2015: Đặc biệt, một số khu đất trống đã giải tỏa nằm sát ranh dự án phải đầu tư hoàn chỉnh, không để tình trạng “đầu thừa, đuôi thẹo” làm xấu mỹ quan dự án.

Khi trao đổi với PV Báo CAND về việc này, ông Khả Chính nói: Có khi giải tỏa thành mặt tiền thì giá trị nó lên. Nhưng có những mảnh đất phải xác lập quyền sở hữu nhà nước, sau đó bán theo Ban chỉ đạo 09 (QĐ 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước). Nhưng vì nhà bà Sinh có một con hẻm đi ngang qua nữa. Nếu muốn mua thì chỉ khi là mảnh đất liền kề mà ở đây còn cách một con hẻm thì làm sao vận dụng chính sách qui định được?

PV Báo CAND đã xuống “thực địa” ngay sau khi có gặp gỡ chỉ trên “họa đồ” với phòng Đô thị quận và phát hiện: Đúng là còn vướng hẻm nhưng hẻm này hiện nay chỉ con duy nhất hộ bà Sinh sử dụng. Dù muốn hay không bà Sinh cũng mặc nhiên sử dụng đoạn hẻm này mà không thể ai tranh chấp.  Và nếu bán cho bà Sinh, ngân sách sẽ thu được tiền vừa đỡ phải quản lý phần “thông hành, địa dịch” bé tẹo này nữa.

Và phần đất đầu thừa đuôi thẹo 19,5m² có hình tam giác, đáng ra khi dự án giải tỏa thu hồi việc làm đầu tiên phải là vận động người dân có diện tích liền kề “hợp thửa hợp khối” để tránh trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Cũng là cách để dự án hoàn thiện hơn. Vì muốn hay không khi xây dựng CDP có hình hài “chặt góc” với diện tích khoảng 10m², vô tình Chính quyền đã “tái hiện” dạng nhà siêu mỏng, siêu méo!

Bà Sinh cũng chấp nhận, xin tự nguyện chịu toàn bộ chi phí di dời và xây mới trụ sở CDP bằng đúng diện tích của CDP này tại một địa điểm khác. Nếu được chính quyền chấp nhận cho gia đình mua lại phần đất trước mặt cũng như hợp thức hóa phần đường đi hẻm còn lại để hợp khối thì là điều mong mỏi nhất.

Đối chiếu những phát biểu của các lãnh đạo địa phương, ngành và những quy định hiện hành, những ghi nhận trên đây qua xác minh công tác bạn đọc của Báo CAND, thì chúng tôi thiết nghĩ đề nghị của bà Kim Sinh rất hợp lý.

Đây chính là giải pháp “vẹn cả đôi đường”. Sự sớm hồi đáp từ phía chính quyền đúng lúc, cũng là để xóa đi những hình ảnh phản cảm không đáng có trong mắt người dân.

Huyền Nga
.
.
.