Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ Hai, 06/09/2010, 08:57
Hỏi: Trước khi gia đình tôi chuyển vào miền Nam sống, bố tôi có nhờ một người bạn giữ hộ đôi bình gốm cổ từ đời nhà Lê, việc gửi đôi bình có người làm chứng. Vừa rồi bố tôi ra Bắc đến xin lại đôi bình nhưng người bạn đó không chịu trả lại. Xin hỏi người đó có vi phạm pháp luật không, nếu có thì xử lý như thế nào? (Hoàng Thị Thanh, Tân Nghĩa, Di Linh, Lâm Đồng)

Trả lời: Theo quy định của pháp luật, người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác - tùy thuộc vào giá trị của tài sản bị chiếm giữ - có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự. Do không rõ giá trị của đôi bình gốm cổ nên có thể xảy ra hai trường hợp như sau:

- Nếu đôi bình gốm cổ có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì theo quy định tại khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, người chiếm giữ trái phép tài sản trên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; hoặc nếu tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên thì người chiếm giữ trái phép có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự.

- Nếu đôi bình gốm cổ có giá trị dưới 10.000.000 đồng thì theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 18 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/9/2010), người chiếm giữ tài sản trái phép có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Công ty Luật Hồng Hà - Hà Nội
.
.
.