Chặn tin nhắn rác: Trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà mạng

Thứ Bảy, 27/12/2014, 12:59
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo lại có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây bức xúc cho người sử dụng. Thống kê của Bkav cho thấy, trung bình mỗi ngày cuối năm, có khoảng 13,5 triệu tin nhắn rác được gửi đến người dùng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, tin nhắn rác là câu chuyện xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ với cộng đồng. Để giải quyết tận gốc vấn nạn trên, cơ quan quản lý trong lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là các nhà mạng cần phải chủ động rà soát và ngăn chặn tin nhắn rác, trên tinh thần đặt lợi ích của số đông người dân lên trên lợi ích của DN.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 25/12, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, theo thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), phần lớn tin nhắn rác được phát tán từ các nhà mạng. Số lượng tin nhắn rác xuất phát từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CPS) là rất ít vì nếu các CPS phát tán tin rác sẽ bị phát hiện và xử lý ngay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc xử lý vấn nạn tin nhắn rác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Bkav cũng cho rằng, về kỹ thuật, các nhà mạng hoàn toàn có thể ngăn chặn tin nhắn rác từ các tổng đài nội dung hoặc từ chính các nhà mạng. Tuy nhiên, dường như nhà mạng không muốn làm điều này vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu.

Thống kê mới nhất của Bkav cho thấy, trung bình mỗi ngày cuối năm có khoảng 13,5 triệu tin nhắn rác gửi đi. Con số này tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn lợi thu được từ việc phát tán tin nhắn rác, ngoài các chủ thể phát tán tin nhắn rác, nhà mạng cũng được hưởng lợi.

Vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo luôn gây bức xúc cho người dùng di động.

Cũng theo tính toán của Bkav, nếu cước phí trung bình một tin nhắn là 300 đồng thì các nhà mạng sẽ thu về khoảng trên 4 tỷ đồng mỗi ngày, tức trên 120 tỷ đồng mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.

Trước diễn biến phức tạp của các loại tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đang có dấu hiệu bùng phát trở lại vào dịp cuối năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Nội dung của Chỉ thị đã khẳng định sự vào cuộc của cơ quan chức năng khi quy trách nhiệm cụ thể đối với với các nhà mạng trong việc quản lý và ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Theo Chỉ thị 82, các nhà mạng phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các DN cung cấp dịch vụ đang hợp tác với mình. Nếu phát hiện DN nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật, sẽ phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng, đồng thời báo cáo Bộ TT&TT để theo dõi và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Bình luận về Chỉ thị 82 của Bộ TT&TT, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, thực tế cho thấy, việc quản lý tin nhắn rác đã được Bộ TT&TT đề cập nhiều lần với các nhà mạng, DN cung cấp dịch vụ, song do lợi nhuận thu được từ việc phát tán tin nhắn rác quá lớn nên bản thân các nhà mạng vẫn phớt lờ, chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với người sử dụng. Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 82 đã quy rõ trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất trong việc ngăn chặn tin nhắn rác thuộc về nhà mạng.

Theo đó, các nhà mạng phải tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác, thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện thuê bao vi phạm. Điều này cho thấy, chiếc “gậy” đã được Bộ TT&TT trao tay cho các nhà mạng. Song có đẩy lùi được vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự mạnh mẽ và cương quyết của của chính cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Huyền Thanh
.
.
.