Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm khai thác mỏ đất
Cụ thể, khu vực Trốc Voi, phường Thủy Phương có 2 mỏ đất được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép cho Công ty TNHH Hoàng Ngọc (gọi tắt Công ty Hoàng Ngọc) từ năm 2019, với trữ lượng 616.660m3 và 1.458.225m3. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế không cấp phép mở rộng phạm vi khai thác 2 mỏ này mà chỉ cho phép nâng công suất khai thác trữ lượng hiện có.
Các phương tiện máy móc khai thác tại mỏ đất của Công ty Đồng Tâm. |
Tuy nhiên qua ghi nhận thực tế, tại mỏ đất của Công ty Hoàng Ngọc có nhiều vị trí được công ty này khai thác vượt quá độ sâu cho phép tạo thành những hố nước sâu rất khó hoàn thổ. Ngoài ra, tại khu vực mỏ đất còn có nhiều điểm khai thác mới lấn sâu vào diện tích rừng trồng keo lá tràm của người dân địa phương. Khi được hỏi về mốc giới phạm vi của mỏ đất, bảo vệ mỏ đất của Công ty Hoàng Ngọc cũng không thể chỉ được.
Từ tuyến QL1A đường tránh Huế thuộc phường Thủy Phương, theo những đoàn xe tải chở đất, chúng tôi tiếp cận một mỏ đất khác của Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm (gọi tắt Công ty Đồng Tâm). Mỏ đất này được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp cho Công ty Đồng Tâm theo giấy phép khai thác vào giữa tháng 11/2019, với trữ lượng 712.800m3, công suất khai thác 350.000m3/năm, thời hạn khai thác trong 18 tháng.
Qua quan sát, mỏ đất này cũng đang được đơn vị thi công khai thác vượt ra ngoài phạm vi mỏ. Các máy múc hoạt động hết công suất để múc đất đưa lên các xe tải để vận chuyển đến địa điểm tập kết. Ngoài khai thác hạ thấp vượt quá độ sâu cho phép, doanh nghiệp còn mở rộng khai thác ra một vị trí mới nằm ngoài phạm vi khu mỏ. Theo nhân viên ghi chép sổ sách tại khu mỏ này, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 lượt xe tải, xe ben ra vào mỏ lấy đất.
Nói về vi phạm trong khai thác mỏ của Công ty Hoàng Ngọc và Công ty Đồng Tâm, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để có số liệu chính xác làm căn cứ xử lý vi phạm của 2 doanh nghiệp trên, Sở đã thuê một đơn vị độc lập đo đạc hiện trạng khai thác các mỏ đất để đối chiếu với số liệu trong giấy phép khai thác.
Dự kiến đến giữa tháng 5/2021, quá trình kiểm tra các mỏ đất sẽ hoàn thành và Sở sẽ có cơ sở để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh ra quyết định xử lý. Liên quan đến vấn đề vi phạm tại các khu mỏ của Công ty Hoàng Ngọc và Công ty Đồng Tâm diễn ra trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, ông Trường lý giải, do các đơn vị chức năng của Sở có cán bộ “mỏng”, công việc nhiều nên gặp khó trong việc sắp xếp thời gian để kiểm tra, giám sát thường xuyên việc doanh nghiệp chấp hành các quy định khai thác mỏ(!?).
“Sở TN&MT sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm của 2 doanh nghiệp này để không làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước và lập lại trật tự khai thác tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh”, ông Trường khẳng định.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 17 mỏ đất làm vật liệu san lấp, 2 mỏ đất sét làm gạch ngói (không có mỏ cát sỏi lòng sông, hoặc cát nội đồng) và 22 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác hơn 2 triệu m3/năm và khoảng 200.000m3 đất làm vật liệu san lấp được khai thác từ tầng phủ của mỏ đá, đất phát sinh dư thừa từ các công trình.
Dự kiến nhu cầu những năm tiếp theo đến năm 2030 khoảng 10 triệu m3/năm. Qua cân đối cung cầu thì hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng nguồn cung cấp hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ. Trong đó có dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài cùng nhiều dự án xây dựng khu tái định cư đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai xây dựng đang thiếu hàng triệu khối đất san lấp.
Thời điểm này, giá đất san lấp được các chủ mỏ bán với giá 45.000 đồng/m3 nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm đất san lấp. Vì thế, không ít doanh nghiệp, chủ mỏ cố tình khai thác vượt quá phạm vi mỏ, vượt độ sâu cho phép dẫn đến tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản.