Cần nhiều hơn nữa những bài thơ viết về đề tài Công an

Thứ Tư, 21/09/2005, 08:05

Là độc giả thường xuyên và cũng do mới làm thơ nên tôi rất quan tâm đến những sáng tác văn học, đặc biệt chú ý về những chùm thơ giới thiệu các tác giả công an. Nhờ đó, tôi không chỉ được cảm thụ văn học mà thêm hiểu sức viết của những người làm thơ mặc áo công an.

Kính thưa Ban biên tập VNCA!

Là sinh viên Khoa Sáng tác, lý luận, phê bình văn học, đồng thời cũng là độc giả thường xuyên của VNCA, tôi rất quan tâm đến những sáng tác văn học được in ở báo này. Cũng do mới làm thơ nên tôi đặc biệt chú ý về những chùm thơ giới thiệu các tác giả công an.

Từ tháng 10/2004, số báo đầu tiên giới thiệu tác giả làm thơ trong lực lượng Công an nhân dân đến nay đã có năm chùm thơ của năm tác giả. Nhờ đó, tôi không chỉ được cảm thụ văn học mà thêm hiểu sức viết của những người làm thơ mặc áo công an.

Năm tác giả này mỗi người có một giọng điệu riêng, nhưng xuyên suốt thơ của họ là chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước. Với giọng thơ đầy nữ tính, nhẹ nhàng, mềm mại, Bạch Phần nghiêng về những hình ảnh thân thương nhất của miền quê Nam Bộ của chị: “Hàng dừa, gốc lúa, bờ ao.../ Giữa hồn tôi vẫn dạt dào dáng quê!” (Xin lành giấc mơ). Có câu chan chứa nghĩa tình: “Ôi, tiếng mẹ ru con!/ Mênh mông tình non nước” (Tiếng ru). Hình ảnh quê hương đất nước còn được phát hiện qua cái nhìn độc đáo của Lê Va, một chiến sĩ công an của tỉnh Hòa Bình. Anh chiêm ngưỡng đất nước từ đường nét, từ thiên nhiên tới con người và vẻ đẹp văn hóa: “Từng đốt sống/ nghiêm trang người lính/.../ sừng sững sơn hà/ mềm mại điệu múa Hùng Vương” (Tổ quốc ta). Tình yêu anh dành cho đồng bào vùng cao chính là sự thấu hiểu họ: “Lời nói dốc đứng/ cử chỉ khúc khuỷu/ tình đầy như mây trắng quanh năm” (Người vùng cao đón khách). Tình yêu quê hương có khi được lồng trong tình yêu lứa đôi: “Nhớ ai tím cả góc trời/ Mà dòng Hương vẫn một đời lặng thinh” (Lỗi hẹn – Nguyễn Đức Nam). Bên cạnh chất trữ tình, tôi thấy trong trang thơ tác giả xuất hiện những vần thơ chiêm nghiệm, mang triết lý nhân sinh: “Từ đế vương đến thường dân lam lũ/ Cũng ăn mày nhân đức cửa từ bi” (Đêm trắng Hoa Yên – Nguyễn Xuân Hải). Mới đây, đọc chùm thơ của Hà Văn Thể, tôi không kìm được sự xúc động khi đọc bài: “Lặng lẽ thời bình” của anh. Ngay cả lúc đạn bom chiến tranh đã lặng, vẫn còn đó những chiến sĩ công an âm thầm chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Câu kết như giọt nước mắt nuốt vào trong vừa tỏ sự ngưỡng mộ, vừa là nỗi đau đớn trước hy sinh dũng cảm, lặng lẽ của đồng đội: “Chiều nay, bỗng đến tin buồn biết mấy/ Chuyên án giữa rừng xanh có người ở lại với rừng”...

Kính thưa Ban biên tập! Những cây bút được giới thiệu trên trang thơ tác giả của VNCA theo tôi đều đáng ghi nhận. Năm cây bút này ít nhiều đã tạo nên được ấn tượng riêng đối với độc giả. Đây còn là điều kiện cho các cây bút trong ngành có cơ hội được xuất hiện và thể hiện mình trước công chúng.

Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn không hiểu tại sao đã mang trên mình màu áo công an mà những tác giả trên sáng tác thơ về công an còn “khiêm tốn” thế. Tôi biết, 60 năm qua bao tấm gương về sự hy sinh của các chiến sĩ công an, những việc làm cao cả cũng như những vấn đề nảy sinh trong đời sống của họ đã được thể hiện trên hàng trăm cuốn tiểu thuyết, hàng chục bộ phim hấp dẫn vậy mà hình tượng của những người chiến sĩ công an trên các trang thơ sao còn thiếu vắng?

Phải chăng vì những cây bút này chưa muốn gửi sáng tác về công an của mình, hay đây còn là đề tài khó mà các tác giả chưa tìm được lối vào? Vậy việc lựa chọn trang thơ các tác giả tiếp theo VNCA có nên đưa ra tiêu chí nhất thiết phải có tối thiểu một bài viết về công an không? Tôi nghĩ có tiêu chí ấy nó nhằm thúc đẩy sự tìm tòi khai thác, đào sâu ở mỗi cây viết về vấn đề này để đáp ứng được đặc thù riêng trong ngành mình.

Thúy Mơ
(Trường đại học Văn hóa – Hà Nội)

LTS: Xin cảm ơn bạn Thúy Mơ đã quan tâm đến trang thơ của các tác giả trong lực lượng Công an. Bạn cũng đã có những nhận xét khá tinh tế về một vấn đề mà Ban biên tập chúng tôi đang trăn trở. Ấy là hình tượng người chiến sĩ công an trong thơ vừa vắng vẻ, vừa thiếu sinh động như những trang truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản. Trong VNCA số đặc biệt kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng CAND, chúng tôi đã cho đăng bài: “Một chặng đường văn học về đề tài an ninh trật tự”, nhà văn Ma Văn Kháng cũng đã nhận xét: “Điều dễ nhận thấy ngay là: trong khi truyện ngắn và thơ với số lượng gửi tới dự giải thưởng văn học đề tài An ninh trật tự xã 10 năm 1995-2005 vừa ít ỏi, vừa do chưa tìm được cách tiếp cận một đề tài có đặc thù riêng nên chưa thỏa mãn những yêu cầu về thể loại...”.

Vì thế, gợi ý của bạn về tiêu chí để lựa chọn trang thơ tác giả công an phải có ít nhất một bài viết về công an là đáng được ghi nhận. Qua nhịp cầu “Bạn đọc, bạn viết với VNCA”, chúng tôi mong rằng các cây viết trong lực lượng công an gửi chùm thơ tác giả về cho chúng tôi nên chọn ít nhất một bài thơ viết về đồng đội mình...

VNCA

.
.
.