Cần giải quyết chế độ cho 'liệt sĩ' trở về sau 40 năm báo tử

Thứ Hai, 09/02/2015, 09:42
Thời gian gần đây, tại xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) xôn xao câu chuyện một liệt sĩ bị mất trí nhớ bỗng dưng trở về quê mà không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Đó là ông Nguyễn Chánh Nhường, 66 tuổi.

Được sự giúp đỡ của một người tại xóm 18, xã Quỳnh Lâm, chúng tôi tìm được ông Nguyễn Chánh Nhường, hiện đang ở nhà anh trai là Nguyễn Chánh Nghiệm (thương binh 4/4). Tuy nhiên, ông Nhường hiện lúc nhớ lúc quên, đôi khi ông không còn nhớ tên họ mình là gì, chiến đấu tại đâu và năm tháng nhập ngũ cũng như số hiệu đơn vị.

Ông Nghiệm chia sẻ, đã gần một năm trôi qua nhưng ông vẫn chưa hết bàng hoàng cảm động trước ngày đầu gặp em sau 40 năm. Hôm đó là ngày 18/3/2014. Chiều hôm đó trời mưa phùn ông đang làm vườn bỗng nghe tiếng chó sủa ngoài ngõ, ông vừa mở cổng thì thấy em gái là chị Nguyễn Thị Thông dẫn một người ăn xin đến. Bỗng người lạ mặt lao vào ôm chầm lấy ông khiến ông hoảng sợ.

Ông Nguyễn Chánh Nhường và bằng Tổ quốc ghi công mang tên ông.

Sau một hồi trấn tĩnh, ông vẫn không tin vào mắt mình mà ông cứ tưởng là chiêm bao bởi trước mặt ông là em trai - Nguyễn Chánh Nhường, người đã có giấy báo tử cách đây mấy chục năm. Mọi người cứ sờ nắn mặt mũi, cuống quýt hỏi thăm “liệt sĩ”. Tuy nhiên, người trở về từ cõi chết đang bị bệnh tâm thần, lúc nhớ, lúc quên nên không biết gì nhiều. Khi chị Thông phát hiện bên cánh tay trái của em trai mình có nốt ruồi thì mọi người mới tin rằng “liệt sỹ” đã trở về.

Ông Nghiệm cho biết: “Chú Nhường sinh năm 1949, đi bộ đội vào tháng 10/1972, mất tích từ năm 1973. Theo giấy báo tử thì hi sinh vào ngày 6/4/1973 tại mặt trận phía Nam Quân khu 4. Mãi đến năm 1992, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Từ đó mẹ tôi hưởng phụ cấp mẹ liệt sĩ cùng các giấy tờ bằng Tổ quốc ghi công, giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ. Đến năm 2001, khi mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Tuệ qua đời thì mọi chế độ không còn nữa”.

Sau khi em trai trở về, ông Nghiệm đã báo chính quyền địa phương, xin nhập khẩu và đề nghị hỗ trợ kinh tế để em trai được sống và có nơi tá túc.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Tình, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm. Ông Tình cho biết, sau khi xóm có biên bản xác nhận thông tin trên, ngày 8/5/2014, UBND xã Quỳnh Lâm đã có Công văn 99/BC-UBND gửi Phòng LĐ-TB&XH, UBND huyện Quỳnh Lưu để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết mọi chế độ cho ông Nhường.

“Sau khi gặp mặt liệt sĩ cùng gia đình, UBND xã Quỳnh Lâm xác minh thực tế liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường hiện đang còn sống và trở về là có thật”. Ngày 10/11/2014, các cơ quan chức năng đã làm sổ hộ khẩu và CMND cho ông Nhường, đồng thời xét hộ nghèo cho hộ ông Nhường để có chính sách ưu tiên theo quy định.

Ông Đặng Minh Hoài, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Quỳnh Lâm thì UBND huyện đã cho người kiểm tra và có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH Nghệ An về việc liệt sĩ trở quê sau 40 năm, đồng thời rà soát lại các chính sách để làm hồ sơ cho đối tượng hưởng đúng quy định.

Sở này cũng có công văn gửi đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đề nghị phối hợp với các ngành, các cấp điều tra làm rõ. Tuy nhiên đến nay đã gần một năm từ ngày “liệt sĩ” trở về quê thì công việc thu hồi mọi giấy tờ cần thiết vẫn chưa xong và ông Nhường cũng chưa nhận được bất cứ một chế độ chính sách nào.

Ông Nguyễn Chánh An (em trai ông Nhường) cho biết: “Chúng tôi cũng đi tìm đồng đội của anh Nhường để họ làm chứng. Hiện đã có 4 đồng đội của anh Nhường hứa sẽ đưa anh ra đơn vị ở tỉnh Hà Giang để chứng nhận. Chúng tôi hi vọng anh sớm được hưởng chính sách dành cho thương binh nặng”...

Đào Bình
.
.
.