Xung quanh việc thu phí giường bệnh dịch vụ tối đa lên tới 4 triệu đồng/ngày: Chất lượng có tương xứng?
Từ 15/8, các cơ sở y tế công lập trên cả nước bắt đầu thực hiện Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Theo thông tư này, giá giường dịch vụ tối đa lên tới 4 triệu đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt; giá khám giáo sư cao nhất 500 nghìn đồng… Nhiều người kỳ vọng, thông tư mới ban hành sẽ chấm dứt tình trạng lạm dụng giường dịch vụ chiếm tới 60-70% trên tổng số giường bệnh ở một số cơ sở y tế, chấm dứt cảnh mỗi nơi một giá… Tuy nhiên, với giá 4 triệu/giường/ngày, ngang với khách sạn 5 sao chỉ dành cho "người giàu", cơ sở vật chất và nhân lực điều trị có đi đôi với giá tiền bỏ ra?
Mỗi nơi một kiểu "giá theo yêu cầu"
Vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng đau bụng, cháu N.Q.K (Hà Nội) được chẩn đoán viêm ruột thừa và có chỉ định mổ. "Phẫu thuật xong, cháu được chuyển về phòng điều trị. Thấy con đau đớn mà phải nằm ghép, tôi đành thuê giường dịch vụ. Tại tầng 5 của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá của Bệnh viện còn phòng 1 giường, có giá 2 triệu/ngày, tôi thuê luôn", mẹ cháu K cho biết. Theo vị phụ huynh này, tiền giường dịch vụ 1 tuần con nằm viện hết 14 triệu đồng, là một khoản chi phí lớn với đồng lương công chức của chị.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi được nhiều người nhà bệnh nhân cho biết, giường BHYT vẫn đủ cho bệnh nhân, khi quá tải thì phải nằm ghép nhưng vì không có tiền thuê giường dịch vụ nên dù chật chội, nóng bức cũng phải chịu. Một bệnh nhân cho hay, do mổ nội soi chỉ phải nằm viện 3 ngày, ban đầu chị không có ý định thuê giường dịch vụ. Nhưng phẫu thuật xong, nhìn cảnh đông đúc, chờ đợi sắp xếp giường BHYT nên gia đình đành thuê giường dịch vụ. "Loại rẻ nhất 1,5 triệu/giường/ngày, 3 ngày cũng hết 4,5 triệu đồng, hơn nửa tháng lương nhưng cũng đành chấp nhận để người nhà trông còn có chỗ nghỉ ngơi", nữ bệnh nhân cho biết.
Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là khu khám chữa bệnh theo yêu cầu. Giá khám bác sĩ tại đây 300 nghìn đồng; khám trưởng, phó khoa 400 nghìn đồng; khám giáo sư 500 nghìn đồng. Theo nhân viên chăm sóc khách hàng, giá giường dịch vụ thấp nhất là 1,5 triệu đồng, cao nhất 2,5 triệu đồng/giường/phòng. Trông cháu 2 tuổi bị viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma phải nhập viện điều trị, bà N.T.M (Hà Nội) cho biết: "Cháu nằm viện đã 2 tuần rồi, gia đình thuê phòng dịch vụ này giá 3 triệu/ngày đêm". Theo quan sát của chúng tôi, phòng dịch vụ có 2 giường, mỗi giường có giá 1,5 triệu đồng/ngày. Thấy tôi tỏ ý băn khoăn, bà M cho biết thêm: "Mẹ cháu mua gói bảo hiểm 30 triệu/năm cho cháu nên chi phí nằm viện được bảo hiểm chi trả, vì thế mới thuê cả phòng dịch vụ, chứ nếu không có bảo hiểm thì không dám thuê thế này đâu. Tính sơ sơ 2 tuần nằm viện, tiền giường đã mấy chục triệu rồi", bà M nói.
Dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đã ra đời từ lâu, phục vụ cho người dân có điều kiện về kinh tế đăng ký khám chữa bệnh. Tuy nhiên, giá dịch vụ hiện nay chưa thống nhất, mỗi nơi một kiểu. Nhiều nơi thu giá 500 nghìn đồng/lần khám giáo sư; phó giáo sư, tiến sĩ 400 nghìn đồng/lần và giảm dần với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I. Cũng là bệnh viện hạng đặc biệt, có nơi khám giáo sư 500 nghìn đồng/lần nhưng có nơi 150 nghìn đồng như ở Bệnh viện Bạch Mai. Thậm chí, tại Bệnh viện Bạch Mai, khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120 nghìn đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70 nghìn đồng, thấp hơn so với nhiều bệnh viện hạng I.
Là bệnh viện hạng I của Hà Nội, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có khoảng 1.200 bệnh nhân tới khám. Hiện bệnh viện đang thực hiện 20 dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu. Khám chữa bệnh theo yêu cầu chiếm 12% trên tổng số bệnh nhân đến khám; khám không BHYT và không làm thêm các yêu cầu khác là 8-9%; còn lại 80% khám BHYT. "Bệnh viện có 90 giường dịch vụ trên tổng số 800 giường, chưa được 15%, giá cao nhất là 500 nghìn/giường/ngày. Giá khám dịch vụ cao nhất 150 nghìn đồng", TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.
Tuy nhiên không phải cơ sở y tế công nào cũng như thế, có những bệnh viện công, khoa phòng có tới 60-70% giường theo yêu cầu, buộc bệnh nhân phải nằm dịch vụ với giá cao so với túi tiền của người bệnh.
Có dễ thu phí giường bệnh giá 4 triệu/ngày?
Sau nhiều lần dự thảo, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, đã hướng dẫn chi tiết việc triển khai dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Theo đánh giá, Thông tư là cơ sở, hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công dựa vào đó ban hành xây dựng giá khám, chữa bệnh, giá dịch kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh trên từng bệnh viện. Thông tư ban hành cũng khiến nhiều người lo lắng rằng, chỉ người giàu mới đủ chi phí khám chữa bệnh dịch vụ, còn người nghèo được phục vụ ở mức thấp hơn.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với dải giá được Bộ Y tế cho phép thực hiện tối đa đến 500 nghìn đồng/lần khám, bệnh viện sẽ thực hiện không áp dụng đồng loạt giá cao để người dân có quyền lựa chọn theo dải giá và có nhiều sự lựa chọn dành cho người dân đến chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo TS Nguyễn Văn Thường, Thông tư 13 cho phép bệnh viện hạng I như Đức Giang khám theo yêu cầu cao nhất là 400 nghìn, giường bệnh cao nhất 2 triệu/ngày. "Bệnh viện đang cho các phòng, ban rà soát về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nhân lực… để từ đó đưa ra phương án áp dụng. Đồng thời phải tính đến nhóm bệnh nhân có nhu cầu vào bệnh viện. Nếu xây dựng giá cao quá, người bệnh không đến bệnh viện thì lại không có tác dụng", TS Thường cho biết.
Theo chuyên gia, để thực hiện Thông tư 13, Bộ Y tế cần hướng dẫn tỉ mỉ, chặt chẽ hơn, để các bệnh viện phải lập đề án, báo cáo đầy đủ, cơ sở vật chất toàn diện… Thông tư khống chế không quá 20% giường dịch vụ là còn ít, cần phải tăng lên 25%. "Thông tư thiếu cơ chế tài chính, vì vậy, Bộ Y tế cần phải có hướng dẫn rõ ràng như: Quy định dịch vụ theo yêu cầu thì bác sĩ được bao nhiêu; dành cho tu sửa, khấu hao, mua sắm trang thiết bị, thuốc… để có sự rõ ràng, minh bạch", vị chuyên gia nói.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện cần bám sát Thông tư vì nếu lợi dụng việc thực hiện quá chỉ tiêu cho phép (không quá 20% giường dịch vụ, quá 30% chuyên gia, bác sĩ giỏi khám theo yêu cầu) thì người bệnh không có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ thiệt thòi. Trao đổi với PV Báo CAND, BS Nguyễn Trọng An, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Quỹ toàn cầu (Bộ Y tế), từ 15/8, Thông tư 13 của Bộ Y tế có hiệu lực. Để các bệnh viện thực hiện đúng như Thông tư quy định, tránh việc làm sai, Bộ Y tế cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, mang lại công bằng trong công tác khám chữa bệnh cho người dân.