Viên sủi KOWACHI vi phạm khi quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Thứ Sáu, 15/04/2022, 16:17

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo viên sủi KOWACHI sử dụng danh nghĩa bác sỹ, lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, trên nhiều trang Facebook cá nhân  quảng cáo sản phẩm "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi KOWACHI" với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh nghĩa bác sỹ, lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

 Viên sủi KOWACHI do Công ty TNHH Golden Times Việt Nam, địa chỉ tại phòng 302 số 627 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội công bố và chịu trách nhiện về sản phẩm. Sản phẩm được sản xuất tại Công ty cổ phần Dược phẩm Frech life, địa chỉ tại ½ Lô 25+26+29, cụm công nghiệp An Xá, phường Mỹ Xá, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Cảnh báo viên sủi KOWACHI quảng cáo như thuốc chữa bệnh -0
Viên sủi KOWACHI được rao bán trên mạng.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link facebook nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Thời gian qua, nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo giống như thuốc chữa bệnh, thậm chí còn sử dụng người nổi tiếng, nghệ sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

 Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter, các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coccoc, chrome,…và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Bộ Y tế cũng đề nghị rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới...

Tr.Hằng
.
.
.