Vi khuẩn gây ngộ độc cho hơn 300 người sau khi ăn bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao?

Thứ Bảy, 23/09/2023, 18:30

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, tại nước ta đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc tập thể do vi khuẩn Salmonella gây ra. Đây là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm.

Theo kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, vụ ngộ độc thực phẩm xảy lúc 11h ngày 11/9, tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2 Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An) làm cho 313 người bị ngộ độc (có 103 người nước ngoài), trong đó 273 người phải nhập viện.

Thức ăn gây ngộ độc là thịt heo xá xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (những thành phần trong ổ bánh mì này có vi khuẩn Salmonella).

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu trên thế giới, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn. 

Vi khuẩn gây ngộ độc cho hơn 300 người sau khi ăn bánh mì Phượng nguy hiểm ra sao? -0
Những thành phần trong ổ bánh mì Phượng có vi khuẩn Salmonella, gây ngộ độc cho hơn 300 người.

Vào tháng 11 năm ngoái, sau bữa ăn trưa tại trường Trường ISchool Nha Trang, đã có 665 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong.

Nguyên nhân của vụ ngộ độc đã được kết luận, món cánh gà chiên là thức ăn gây ngộ độc, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Vậy, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào? TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại nước ta đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc tập thể do vi khuẩn Salmonella gây ra. Đây là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm trùng xảy ra chủ yếu ở dạ dày ruột, nên còn có thể gọi là viêm dạ dày ruột do Salmonella. Ban đầu vi khuẩn vào cơ thể qua đường ăn uống, gây nhiễm trùng ở dạ dày ruột là chính, thời gian ủ bệnh thường từ 6-72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.

"Tuy nhiên, có tới 8% các trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu… Theo cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của ngộ độc này khoảng 1%, đó là điều kiện ở nước phát triển. Trường hợp cháu bé ở trường ISchool tử vong là do sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn Salmonella gây ra", BS Nguyên nhấn mạnh.

BS Nguyên cho biết thêm, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm ở chỗ, ngoài việc gây khó chịu như đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, còn có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Tuy nhiên, con vi khuẩn này cũng khá đặc biệt là một số trường hợp, nó vào được máu gây nhiễm trùng nặng, có thể gây biểu hiện về thần kinh như co giật, thờ ơ ở một số bệnh nhân. Đây cũng là thách thức cho việc xử trí, tiên lượng của bác sĩ. 

Theo bác sĩ, do bếp, phòng ốc, các vật dụng chế biến như dao, thớt, vật dụng chứa đựng (khay, hộp), bề mặt chế biến, nguồn gốc thực phẩm, bàn tay, sức khỏe người chế biến, côn trùng, chuột, nhà vệ sinh…không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi khuẩn từ nguyên liệu thực phẩm, từ các môi trường chế biến như trên, hoặc từ người chế biến mang mầm bệnh vào bữa ăn.

Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella. 

Trần Hằng
.
.
.