Ung thư tuyến giáp trẻ em, phụ huynh không nên chủ quan

Thứ Hai, 13/06/2022, 06:48

Ung thư tuyến giáp trẻ em mặc dù ít gặp hơn người lớn, tuy nhiên khi trẻ xuất hiện u tuyến giáp thì tỷ lệ gặp ung thư cao hơn. Tại Hoa Kỳ, ung thư tuyến giáp chiếm 1,8% ở độ tuổi dưới 20 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Đây là một trong 8 bệnh ung thư thường gặp ở độ tuổi từ 15-19.

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến thứ hai của trẻ nữ, tỷ lệ nữ/nam là 5/1. Ở Việt Nam, ung thư tuyến giáp ở trẻ em cũng ngày càng được phát hiện nhiều hơn.

Là ung thư phổ biến đứng thứ 2 ở trẻ em gái

Chứng kiến ca mổ nạo vét hạch cho bé gái 14 tuổi bị ung thư tuyến giáp do PGS.TS Trần Ngọc Lương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện, chúng tôi được ông cho biết, ung thư tuyến giáp ở trẻ em không phải là bệnh hiếm. Bệnh viện Nội tiết Trung ương vẫn khám và điều trị cho trẻ bị ung thư tuyến giáp. Trường hợp bé gái 14 tuổi này đã cắt toàn bộ tuyến giáp từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, tế bào ung thư lại tái phát sau đó 6 tháng, di căn hạch và đây là ca mổ lần 2. Sau 40 phút ca mổ diễn ra thành công, toàn bộ 3 hạch di căn đã được nạo vét, sau đó tiếp tục điều trị hồi phục. Theo PGS Lương, đây không phải là ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, có bé gái chỉ 12, 13 tuổi đã phát hiện ung thư tuyến giáp. 

Ung thư tuyến giáp trẻ em là ung thư xuất hiện ở trẻ từ dưới 18 tuổi. Mặc dù bệnh ít gặp hơn người lớn, tuy nhiên khi trẻ xuất hiện u giáp thì tỷ lệ gặp ung thư cao hơn. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp ở trẻ em thường không xác định được giống như người lớn.

Ung thư tuyến giáp trẻ em, phụ huynh không nên chủ quan -0
PGS.TS Trần Ngọc Lương mổ nạo vét hạch tuyến giáp cho bệnh nhi 14 tuổi tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tâm, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai, các yếu tố gây nguy cơ ung thư tuyến giáp ở trẻ em là có tiền sử tiếp xúc tia xạ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi là nhạy cảm nhất. Tiền sử mắc bệnh tuyến giáp, thiếu i-ốt. Yếu tố di truyền (gặp trong các hội chứng đa u tuyến nội tiết, hội chứng Cowden, Carney complex,…). Tỷ lệ trẻ nữ mắc ung thư tuyến giáp nhiều hơn trẻ trai (5/1) và là ung thư phổ biến đứng thứ 2 ở trẻ em gái.

BS Tâm cho biết, thể ung thư tuyến giáp trẻ em thường phổ biến nhất là thể biệt hóa (ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang). Dựa trên lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng, ung thư tuyến giáp được phân giai đoạn TNM. Giai đoạn T (Tumor - khối u nguyên phát): Ung thư tuyến giáp trẻ em thường phát hiện muộn nên hay xâm lấn các cấu trúc xung quanh như cơ dưới móng, khí quản, thực quản, dây thần kinh quặt ngược. Giai đoạn N (Nodes - hạch cổ) thường xuất hiện hạch di căn vùng cổ. Giai đoạn M (Metastasis - di căn xa) thường di căn phổi khi có di căn xa. Ở trẻ em có 2 giai đoạn bệnh ung thư: Giai đoạn I chưa có di căn xa và giai đoạn II đã có di căn xa.

Khám và siêu âm tuyến giáp cho trẻ em định kỳ

Theo PGS Lương, thường phụ huynh rất ít khi cho trẻ thăm khám và siêu âm tuyến giáp. Khi phát hiện bệnh, thường là giai đoạn muộn. Một phụ huynh cho con đi khám tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: "Ba năm trước tôi có cho cháu đi khám sức khỏe do tim đập nhanh. Bác sĩ siêu âm tuyến giáp, nói cháu có 1 nhân xơ thùy trái còn rất nhỏ, dặn cháu về ăn nhiều thức ăn bổ sung i-ốt. Chủ quan, tôi cũng không cho cháu đi khám lại. Lần này đến khám, khối u đã to và có nguy cơ phải phẫu thuật".

Ths.BS Nguyễn Văn Tâm cũng cho biết, trẻ em thường ít được chú ý thăm khám tuyến giáp, vì vậy bệnh thường phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe. Biểu hiện lâm sàng của ung thư tuyến giáp trẻ em thường là khàn tiếng, khối sưng phồng vùng tuyến giáp và hạch cổ. Hầu hết các ca ung thư tuyến giáp trẻ em thường cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ do khối u lớn, xâm lấn tổ chức xung quanh và di căn hạch cổ. Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp bệnh nhân được điều trị i-ốt phóng xạ 131.

BS Tâm cũng cho hay, mặc dù ung thư tuyến giáp trẻ em phát hiện muộn và khi phát hiện thường có di căn hạch vùng cổ, tuy nhiên điều trị phẫu thuật tuyến giáp kết hợp với i-ốt phóng xạ 131 cho tiên lượng tốt, tỷ lệ khỏi bệnh cao tương đương ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa ở người lớn.

Vậy làm thế nào để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp ở trẻ em? Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, biện pháp duy nhất là thăm khám và siêu âm  tuyến giáp định kỳ cho trẻ em. Đừng nghĩ rằng các cháu còn nhỏ thì không cần siêu âm tuyến giáp. Đây là một sai lầm, dẫn đến nhiều ca phát hiện thì đã ung thư hoặc ung thư di căn.

Còn theo các BS Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai, để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp trẻ cần khám sức khỏe định kỳ 1 năm/1 lần, được kiểm tra vùng cổ và nội soi thanh quản đánh giá di động dây thanh. Cần cho trẻ khám ngay khi xuất hiện khối sưng phồng vùng cổ, nuốt nghẹn, nuốt vướng hay khàn tiếng.

Đặc biệt, khi có yếu tố nguy cơ như tiền sử tiếp xúc tia xạ vùng đầu cổ, thiếu i-ốt, tiền sử bệnh tuyến giáp hay gia đình có bệnh ung thư tuyến giáp, gia đình có hội chứng di truyền thì trẻ cần được khám tuyến giáp định kỳ 6 tháng/ lần. Nếu phát hiện có u tuyến giáp, tùy theo mức độ nghi ngờ trên siêu âm mà bác sĩ khuyến cáo chọc hút kim nhỏ xét nghiệm giải phẫu bệnh ngay hoặc theo dõi và khám lại sau 3-6 tháng hoặc 6-12 tháng.

Trần Hằng
.
.
.