Ứng phó thế nào trước biến chủng Omicron ?

Thứ Bảy, 01/01/2022, 09:10

Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 trường hợp nhiễm COVID-19 mang biến thể Omicron (B.1.1.529), trong đó có ổ dịch mới vừa công bố vào ngày 31/12. Ổ dịch mới gồm 14 người nhập cảnh đi trên 4 chuyến bay từ Mỹ và Hàn Quốc về Đà Nẵng mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron.

Để ổ dịch này không lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đang yêu cầu các địa phương truy vết thần tốc các F1 để cách ly kịp thời. 3 ngày nghỉ Tết dương lịch và chuẩn bị Tết Nguyên đán, nguy cơ ca mắc mới sẽ tăng cao khi biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta.

Cùng lúc đối phó với hai biến chủng

Nhiều người lo lắng, biến chủng Omircron được phát hiện qua khách nhập cảnh, những người này đã được cách ly. Song, nếu như biến chủng mới âm thầm vào nước ta qua người nhập cảnh trái phép thì rất nguy hiểm. Với tốc độ lây lan nhanh, nếu không được phát hiện sớm để khoanh vùng dập dịch triệt để kịp thời, biến chủng mới lây lan ra cộng đồng thì số ca mắc sẽ tăng chóng mặt, lúc đó sẽ gây quá tải hệ thống y tế và dẫn tới tử vong tăng cao.

Ứng phó thế nào trước biến chủng Omicron ? -0
Người dân hạn chế đi lại, tụ tập, vui chơi đông người để phòng, chống dịch.

Trước lo lắng của người dân, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, biến chủng Omicron đáng quan ngại nhưng cần phải bình tĩnh và hoàn toàn có khả năng ứng phó được. WHO đánh giá biến chủng đáng quan ngại, dựa trên 4 yếu tố: lây lan nhanh, trốn thoát xét nghiệm, chống lại vaccine và gây tử vong cao. Giải thích rõ hơn về điều này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, biến chủng Omicron lây lan nhanh đã được các nhà khoa học thống nhất với tốc độ lây cao gấp 5 lần biến chủng Delta; biến chủng trốn thoát vaccine bởi loại vaccine cũ hiệu quả kém hơn; có khả năng trốn thoát xét nghiệm, dù tỷ lệ thấp... Các nghiên cứu ở một số quốc gia như Nam Phi, Anh đã cho thấy biến chủng làm tỷ lệ tử vong và chuyển nặng giảm đi từ 2,5-3 lần.

Theo đánh giá của ông Dũng, sự xuất hiện của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh, điều lo ngại nhất là làm quá tải hệ thống y tế, từ đó người bệnh không được chăm sóc kịp thời, gây nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần phải kiểm soát được dịch bằng các biện pháp giãn cách, 5K, tiêm phủ vaccine… để tốc độ lây lan của chủng này giảm đi thì đây là cơ hội chấm dứt qua làn sóng Delta, vốn khiến nhiều F0 trở nặng hơn, tử vong nhiều hơn. "Có thể nói nếu biến chủng mới xâm nhập có thể tạo làn sóng dịch mới nhưng không quá nguy hiểm như làn sóng của biến chủng Delta đem lại", PGS.TS Nguyễn Van Dũng nói.

Kiểm soát chặt đường mòn, lối mở

Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và giải trình tự gene ca bệnh là việc làm thường quy kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện. Theo các chuyên gia, việc mở rộng giao thương trở lại như hiện nay, nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập nằm trong dự báo. Từ nay đến Tết, Việt Nam sẽ còn xuất hiện ca mắc biến chủng này khi kiều bào về quê ăn Tết, người nhập cảnh trái phép…

Để ổ dịch biến thể mới Omicron không lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đã đề nghị tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Hãng hàng không Bamboo Airways tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần. Các trường hợp có nguy cơ phải lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp dương tính phải gửi ngay mẫu bệnh phẩm đến viện Pasteur Nha Trang để giải trình tự gene.

Theo Bộ Y tế, các địa phương phải tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng. Song song đó, để phòng ngừa ca bệnh biến chủng Omicron, các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng, chống COVID-19; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Theo một số nghiên cứu công bố trước đó, biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế ca nhiễm tăng nhanh và nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng cường tiêm chủng là giải pháp cơ bản nhất, đặc biệt là người cao tuổi và mắc bệnh nền vì diễn tiến nặng chủ yếu rơi vào nhóm này. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dù việc mắc chủng mới có vô hiệu hóa hay giảm hiệu quả vaccine hay không vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên các nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm mũi 3 có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.

"Để ứng phó với chủng mới chúng ta phải hạn chế lây lan, mà 5K là giải pháp hữu hiệu nhất. Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, người dân hạn chế đi lại, nếu phải về quê thì ưu tiên chọn phương tiện cá nhân, không tụ tập ăn uống, vui chơi đông người. Công tác kiểm tra, giám sát cũng phải làm nghiêm chứ không nên thả lỏng", ông Phu nói.

Trần Hằng
.
.
.