Ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong bệnh viện CAND
Trong những năm qua, các bệnh viện CAND không ngừng được nâng cấp, hiện đại hóa và thực sự đổi mới. Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị cận lâm sàng như: Ghép thận, cắt gan, cắt khối tá tụy, cắt toàn bộ dạ dày, cắt thuỳ phổi, ứng dụng nội soi trong các mặt bệnh tiêu hoá, hạ thân nhiệt chỉ huy, theo dõi huyết động xâm lấn, đo áp lực nội sọ, can thiệp ECMO… đã được ứng dụng thành công trong bệnh viện CAND, góp phần cứu sống nhiều người bệnh nặng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an và nhân dân.
Triển khai được nhiều kỹ thuật khó
Chúng tôi tới Bệnh viện 19-8 trong những ngày cuối tháng 7 và được chứng kiến sự thay đổi rất lớn khi bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị lâm sàng cứu sống người bệnh nặng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của bệnh viện hạng I, đầu ngành trong lực lượng CAND. Không chỉ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho CBCS, nhất là khám chữa bệnh cho CBCS trong đơn vị chiến đấu gặp thương tích khi làm nhiệm vụ, mà bệnh viện còn thu hút được rất đông nhân dân tới khám chữa bệnh.
Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện 19-8 cho biết: “Những kỹ thuật khó, đỉnh cao như cắt gan, cắt khối tá tụy, cắt toàn bộ dạ dày, cắt thuỳ phổi, ghép thận, ứng dụng nội soi trong các mặt bệnh tiêu hoá… chúng tôi đều đã triển khai thành công và không kém nhiều bệnh viện khác. Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển khai kỹ thuật lấy sỏi mật qua da và tiến xa hơn là dự án ghép gan”.
Trước đây bệnh nhân ung thư gan đến khám và điều trị gần như rất khó khăn vì mổ cắt gan là một kỹ thuật phức tạp, các bệnh viện gần như không triển khai được, người bệnh thường được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật. Xuất phát từ thực tế này, năm 2016, Khoa Ngoại Tổng hợp đã cử các bác sĩ đi đào tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy về kỹ thuật cắt gan. Năm 2017 bắt đầu triển khai kỹ thuật này tại Bệnh viện 19-8.
Ca cắt gan đầu tiên được thực hiện trên bệnh nhân nam, mắc ung thư gan, khối u to 10cm. Ca mổ này các bác sĩ của Bệnh viện 19-8 phối hợp với Bệnh viện Việt Đức triển khai thành công. “Sau 2 ca phối hợp với Bệnh viện Việt Đức, bắt đầu từ ca thứ 3 chúng tôi hoàn toàn tự chủ thực hiện. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được hàng trăm ca cắt gan và kỹ thuật này đã trở thành thường quy của chúng tôi”, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ.
Tới nay, Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện 19-8 đã thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu như: Mổ phổi (2007), ghép thận (2008), mổ tim mở (2010), cắt toàn bộ dạ dày (2013), cắt gan - khối tá tụy (2017). Đặc biệt, sau 14 năm thực hiện ca ghép thận đầu tiên, đến nay bệnh viện đã ghép được 29 ca và ca thứ 29 hoàn toàn do y bác sĩ của bệnh viện tự chủ thực hiện.
Cứu sống nhiều người bệnh bên lằn ranh sinh tử
Theo Cục Y tế (Bộ Công an), đến nay lực lượng y tế CAND đã có trên dưới 20 bệnh viện, trong đó có 4 bệnh viện hạng I được trang bị tương đối hiện đại. Các bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị cận lâm sàng thành công, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và hiệu quả khám, chữa bệnh như: Phẫu thuật nội soi ghép tạng, ghép tế bào gốc, mổ tim hở, điều trị tật khúc xạ, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy, theo dõi huyết động xâm lấn, đo áp lực nội sọ,… Uy tín của các cơ sở y tế CAND, đặc biệt là các bệnh viện hạng I đang ngày một nâng cao và nhận được nhiều sự tín nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tới Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8, chúng tôi chứng kiến các bác sĩ vô cùng bận rộn, làm thông trưa vì bệnh nhân nhập viện rất đông. Đây là khoa cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng và rất nặng như: TNGT, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, nhiễm trùng não, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng phải thở máy, chấn thương nặng hôn mê, sốc đa chấn thương, đột quỵ nặng có hôn mê… Theo ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng khoa cho biết, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống nhờ triển khai các kỹ thuật mới như: Kỹ thuật hạ thân nhiệt đã cứu sống 2 bệnh nhân ngừng tuần hoàn, trong đó có bệnh nhân người Hàn Quốc bị sốc đa chấn thương; cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng do viêm tụy cấp, suy đa tạng/nhiễm COVID-19 bằng phương pháp tạo thân nhiệt và lọc máu. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện hàng trăm ca lọc máu và kỹ thuật lọc máu, thở máy đã trở thành thường quy ở bệnh viện.
Theo BS Phong, bệnh viện vừa triển khai kỹ thuật đỉnh cao nhất để cứu sống người bệnh là ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể). Trước đây bệnh nhân nặng có chỉ định ECMO là phải chuyển viện. Thời gian vừa qua, Khoa đã cử BSCKI Hoàng Văn Điện đi đào tạo tại Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về để triển khai kỹ thuật này. “Ca đầu tiên thực hiện ECMO cho bệnh nhân nam tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phổi đa kháng thuốc/suy giảm miễn dịch. Do có sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, kíp ECMO đã vào ECMO thuận lợi. Sau 1 tuần bệnh nhân đã cai được ECMO”, BS Hoàng Văn Điện cho biết.
Thời quan qua, Bệnh viện 19-8 đã phát huy hiệu quả trang thiết bị nội soi tiêu hóa, hệ thống theo dõi bệnh nhân nặng, máy thở đa năng, duy trì tốt các kỹ thuật nội khoa. Theo BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hoá, Khoa đã ứng dụng rất thành công kỹ thuật nội soi “Ứng dụng kỹ thuật nội soi cắt niêm mạc dưới (UEMR) điều trị polyp ống tiêu hoá”. Kỹ thuật này có rất nhiều ưu điểm, mới áp dụng ở một số cơ sở y tế, có thể áp dụng tại cơ sở y tế chưa được trang bị nhiều, biến chứng chảy máu ít. Mỗi tháng, Khoa Nội tiêu hoá nội soi chẩn đoán đường tiêu hoá cho 1.200 bệnh nhân; nội soi điều trị cho 300 ca/tháng; can thiệp nội soi chẩn đoán ung thư hàng chục ca/tháng…
Không ngừng đổi mới
Theo Cục Y tế, với sự phát triển không ngừng về nhân lực và cơ sở vật chất, các cơ sở y tế Công an, nhất là các bệnh viện đầu ngành đang trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ CAND mà còn đối với cả cộng đồng. Không chỉ triển khai các kỹ thuật khó, mà 4 bệnh viện hạng I CAND đã có những cải tiến, sáng tạo mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, giảm giá thành cũng như gia tăng tỷ lệ thành công của phương pháp. Có những kỹ thuật hứa hẹn mở ra những hướng phát triển mới như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Al, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, điều trị Đông, Tây y kết hợp… sẽ giúp khẳng định được vai trò dẫn đầu, vượt lên đi trước của Y tế CAND.
Tại Hội thao Kỹ thuật sáng tạo Y tế CAND lần thứ I tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, nhiều kỹ thuật được thao diễn đều là kỹ thuật hay, có tính ứng dụng cao và khả năng phát triển tốt trong tương lai như: “Ứng dụng phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân cơ chân ngỗng tự thân theo kỹ thuật tất cả bên trong giữ lại điểm bám chày kết hợp Internal Brace cải biên” của Bệnh viện 199; hay “Ứng dụng kỹ thuật kiểm soát cuống Glisson theo Takasaki trong phẫu thuật cắt gan” của Bệnh viện 30-4; “Chế tạo khung tập đứng, tập đi cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não” của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an…
Trong những năm qua, các bệnh viện CAND đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, chăm sóc bảo vệ, khám, điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe cho CBCS. Nhờ vậy, tỷ lệ quân số khỏe trong toàn lực lượng những năm qua luôn được duy trì trên 98%. Nhiều bệnh mạn tính đang có xu hướng giảm.