Tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi, 100% không tiêm vaccine phòng bệnh
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì căn bệnh này, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó, 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.
Năm 2024, số người tử vong do bệnh dại gia tăng. Tính đến ngày 16/4, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, TP (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2023 ghi nhận 30/63 tỉnh, TP có ca bệnh dại, cao nhất vào tháng 3,4,8. Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất, sau đó đến miền Nam và Tây Nguyên, rồi mới tới miền Trung. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh dại lên tới 34%.
Sang năm 2024, bệnh dại tăng vọt ở 17/63 tỉnh. Nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.
Tại Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, ghi nhận 63 trường hợp tử vong. Tuy các năm 2019-2023 không ghi nhận người mắc nhưng đã ghi nhận các ổ dịch trên chó (năm 2023 có 2 ổ dịch tại Mê Linh). Từ ngày 5/1/2024 đến nay, bệnh dại đã xảy ra tại 2 hộ của huyện Sóc Sơn, đã tiêu huỷ 9 con chó.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm, trung bình là khoảng từ 1-3 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và sức đề kháng của cơ thể.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến nguy cơ tấn công con người.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. Ngoài tăng cường tuyên truyền cho người dân khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, cần củng cố hệ thống thú y, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp phường, xã, huyện và tiến tới xây dựng Nghị định mới về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó đề xuất đối tượng cụ thể và mức hỗ trợ người tham gia phòng chống bệnh dại… thì mới mong đạt được hiệu quả giảm ca bệnh dại trên người và động vật.