Truyền 10 lọ huyết thanh cứu người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cắn
6 tiếng sau khi bị rắn cắn vào mu bàn chân trái, ông L.V.P (68 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng rối loạn đông máu.
Ông P được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với chẩn đoán nhiễm độc nọc độc rắn lục đuôi đỏ giờ thứ 6, rối loạn đông máu, theo dõi tổn thương gan, thận.
Sau 10 ngày điều trị tích cực và truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục, tình trạng của ông P đã được cải thiện rõ rệt, không còn rối loạn đông máu, chân trái bớt sưng nề và đã được xuất viện.
TS.BS.Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này chứa hơn 20 thành phần khác nhau, có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch…
Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim và nguy hiểm đến tính mạng.
Từ mùa hè đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp, phải truyền tới 70 lọ huyết thanh để giải độc. Đặc biệt là bệnh nhân bị rắn hổ mang ẩn nấp trong gầm tủ phòng ngủ cắn vào chân rạng sáng 2/7, phải truyền tới 30 lọ huyết thanh.
Vào cuối tháng 9, nơi đây tiếp nhận 2 bệnh nhân là chị em sinh đôi (9 tuổi) vào cấp cứu do bị rắn hổ mang cắn, các bác sĩ đã phải truyền tới 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn.
Trong các vụ rắn độc cắn, có bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tuyến huyện cấp cứu, do không có huyết thanh nên phải chuyển lên tuyến tỉnh. BS Mai khuyến cáo, người bị rắn độc cắn, cần hạn chế tối đa vận động để không làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.
Sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mua sắm đủ huyết thanh kháng nọc cho một số loại rắn (rắn lục, rắn hổ mang…). Từ năm 2021 đến nay, gần 100 trường hợp bị rắn độc cắn được Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.