Trì hoãn không đến viện vì sợ COVID-19, bệnh nhân ung thư chuyển nặng

Thứ Hai, 11/04/2022, 09:28

Khi dịch COVID-19 giảm, nhiều bệnh nhân “tá hỏa” đi khám mới biết mình mắc bệnh nặng do trì hoãn khám định kỳ. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối, không còn cơ hội can thiệp.

Anh Nguyễn Văn Lộc (TP Hạ Long, Quảng Ninh) được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn đầu tại Bệnh viện K. Nhưng do dịch COVID-19 và đúng vào thời điểm bệnh viện bị phong tỏa, anh được hướng dẫn về bệnh viện địa phương điều trị. Bác sĩ liên lạc với bệnh viện tuyến tỉnh để thảo luận phác đồ điều trị cho anh. Lo sợ đi bệnh viện bị nhiễm COVID-19, anh Lộc đã nhiều lần trì hoãn thăm khám định kỳ. “Mấy lần tôi định quay lại Bệnh viện K để kiểm tra lại nhưng vì sợ dịch nên thôi. Lần này quay lại thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn III”.   

Tương tự, bà Nguyễn Thị H (Hà Nội) mấy tháng trước ho nhiều, sụt cân, nhưng ngần ngại dịch COVID-19 nên không dám đến bệnh viện thăm khám. “Lúc đó chưa tiêm vaccine nên tôi rất lo đến nơi đông người lây COVID-19. Khi tiêm được 2 mũi tôi mới đi khám thì phát hiện ung thư phổi giai đoạn II”.

IMG_2037-1649644190684.jpeg
Lo ngại dịch, nhiều người trì hoãn đến Bệnh viện K thăm khám.

Theo BS Nguyễn Đức Thuyết, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu người mắc và hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân nhập viện, có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật. Rất nhiều người khi phát hiện ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn.  Theo ghi nhận của phóng viên, trong thời gian đại dịch COVID-19, do trì hoãn hoặc lo ngại tới bệnh viện thăm khám, khiến nhiều người mắc bệnh nặng gia tăng, trong đó có căn bệnh ung thư. Nhiều bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai có lịch hẹn tái khám sau 3 tháng nhằm phát hiện tổn thương di căn,  nhưng lo ngại dịch đã bỏ qua, khiến hậu quả di căn nặng nề, việc điều trị không còn hiệu quả.

Tại Bệnh viện K cũng có nhiều trường hợp lo ngại dịch đã không tới viện thăm khám, làm bệnh tăng nặng hơn, khi đến viện thì đã ở tình trạng muộn. TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, có tình trạng nêu trên vì dịch COVID -19 ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện đến tất cả các mặt trong xã hội, trong đó có y tế.

“Đối với bệnh nhân COVID-19 mà điều trị ung thư, trong hệ thống mạng lưới ung thư quốc gia có các khoa ung bướu ở các địa phương, chúng tôi luôn giữ liên hệ mật thiết và trao đổi thông tin. Với bệnh nhân có thể điều trị u bướu ở địa phương, phù hợp với khả năng, năng lực, thuốc và giai đoạn bệnh thì chúng tôi khuyên bệnh nhân hoàn toàn yên tâm điều trị tại đó với phác đồ trao đổi khăng khít với bác sĩ Bệnh viện K. Còn bệnh nhân nào nặng, vẫn cần chuyển lên tuyến trên, chúng tôi vẫn đảm bảo công tác tiếp đón, sàng lọc và phòng, chống dịch”, TS Bình nói.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thì so với thời điểm trước đây, nhóm bệnh nhân ung thư tới thăm khám khi đã ở giai đoạn muộn tăng cao hơn. Có trường hợp bệnh nhân rất trẻ, vốn có nền viêm gan B, nhưng chủ quan bỏ qua điều trị. Chỉ đến khi thấy đau tức hạ sườn phải đến mức không chịu đựng được, mới tới thăm khám. Nhưng đáng tiếc, bệnh nhân đến viện thì  đã quá muộn, toàn bộ gan ung thư thâm nhiễm lan tỏa. Chỉ sau hai tuần đã chuyển vàng da, tắc mật và vài tuần sau tử vong.

Theo PGS Phương, những trường hợp trì hoãn thăm khám, khi phát hiện muộn, bệnh tiến triển nhanh gặp nhiều ở người trẻ. Điển hình là nữ bệnh nhân trẻ quê ở Hải Dương, cách đây 6 tháng được phát hiện ung thư vú phải di căn hạch nách phải tại Bệnh viện K. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 chị này đã trì hoãn không đi điều trị. Khi vãn dịch, chị này mới tới Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khám. Lúc này di căn của chị đã vào xương, lan ra cả cột sống khiến bệnh nhân đau đớn. Chị được chẩn đoán chuyển sang giai đoạn IV.

Ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, ở thời điểm này, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên khám sức khỏe định kỳ hoặc khám khi có dấu hiệu bất thường. Theo BS Nguyễn Đức Thuyết, phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Quá trình chụp chỉ mất vài phút và không gây đau đớn. Những người cần tầm soát ung thư phổi là người hút thuốc lá 20 bao/năm hoặc nhiều hơn; hiện tại đang hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây, và tuổi từ 50 – 80. Theo bác sĩ, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi là không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động. Tầm soát ung thư phổi không thể thay thế việc bỏ hút thuốc.

Người bệnh lo ngại dịch bệnh một cách thái quá đã khiến bỏ lỡ “thời gian vàng” để phát hiện và điều trị bệnh, để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan, nên dù người có bệnh mãn tính mắc COVID-19 thì vẫn phải duy trì thuốc theo chỉ định của các bác sĩ. Với những người có bệnh nền, đặc biệt ung thư, suy giảm miễn dịch phải tuân thủ đơn thuốc và lịch hẹn tái khám của bác sĩ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

Tr.Hằng
.
.
.