Trì hoãn đi khám, nhiều người bị ung thư tiến triển

Thứ Năm, 26/05/2022, 08:02

Theo thống kê của Globocan (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế), năm 2020, ước tính tại Việt Nam có 182.563 ca mắc ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư...

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 quốc gia (có báo cáo về ung thư) về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều người tại nước ta trì hoãn khám sức khỏe định kỳ, hoãn tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ dẫn tới bệnh tiến triển, nhiều người đến viện đã ở giai đoạn cuối. Hiện đã có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống của người bệnh nếu người dân thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư để phát hiện sớm các khối u.

Bệnh nhân khám và điều trị tăng gấp rưỡi

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai từ đầu tháng 4 đến nay có rất đông bệnh nhân tới khám. Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi cả nước bước vào bình thường mới, số bệnh nhân đến khám tăng gấp rưỡi so với thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt nhóm người giai đoạn muộn cũng tăng lên. Trung bình mỗi ngày, tại Trung tâm Y học hạt nhân có khoảng 20-40 bệnh nhân vào nhập viện. Hiện Trung tâm có hơn 300 giường nên đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép. 

Các bệnh nhân tới khám tại Trung tâm chủ yếu gặp những bệnh lý về ung thư gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày, vú… “Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhưng cũng đáng buồn hơn khi có nhiều người đã ở giai đoạn muộn, khối u kích thước lớn và đã di căn hạch, di căn não, di căn xương, di căn phổi, di căn gan”, bác sĩ Phương cho hay.

Chứng kiến bệnh nhân tới khám, chúng tôi thấy nhiều người mang vẻ mặt buồn bã khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh. Khi dịch COVID-19 bùng phát, bà N.T.K (72 tuổi, ở Quảng Ninh) thấy mình sút cân và nuốt nghẹn ngày càng tăng. Nhưng do dịch bệnh, bà không đi khám. Cuối tháng 3/2022, tình trạng nuốt nghẹn tăng dần, bà K chỉ ăn được cháo mà không ăn được cơm, kèm theo sút 8kg. Bà đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám và phát hiện khối u 1/3 dưới thực quản đã chiếm gần hết lòng chu vi thực quản, kèm theo có tổn thương di căn hạch cổ trái.

Trì hoãn đi khám, nhiều người bị ung thư tiến triển -0
Siêu âm định kỳ tuyến vú để phát hiện sớm bất thường.

Đây là trường hợp trì hoãn thăm khám do đại dịch rất đáng tiếc, nếu phát hiện sớm, cơ hội điều trị của bà K sẽ có nhiều khả quan hơn. Hay trường hợp khác là chị P.H.M (46 tuổi) có cảm giác đau ngực phải khoảng 1 năm nay, nhưng vì dịch bệnh chị rất ngại đến bệnh viện khám. Hai tuần nay chị tự sờ thấy khối ở vùng cổ phải, khối này cứng và tăng dần kích thước, thỉnh thoảng đau tại khối này. Chị đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi phải di căn phổi, di căn hạch, di căn tuyến thượng thận.

Trường hợp nữa là chị N.T.T (47 tuổi) đi khám bệnh vì đau tức vùng hạ sườn phải, ăn kém, khó chịu. Chị được chẩn đoán viêm gan B mạn tính, trước đây thường xuyên đi khám định kỳ, nhưng hơn 1 năm nay chị sợ đến bệnh viện, sợ bị mắc COVID- 19 nên chỉ ở nhà. Gần đây thấy đau bụng, mệt mỏi, chán ăn mới đi khám. Bác sĩ đã siêu âm ổ bụng và chụp chiếu phát hiện ung thư gan trên nền viêm gan B, xơ gan. “Kích thước khối u của bệnh nhân đã 13x14cm, kèm theo huyết khối tĩnh mạch cửa, men gan tăng cao. Tình trạng của chị chúng tôi chỉ còn chỉ định điều trị triệu chứng”, bác sĩ Phương nói.

Đáng tiếc hơn cả là trường hợp của bác N.T.K (62 tuổi, ở Hà Nội), xuất hiện ợ hơi, ợ chua khoảng 1 năm nay, nhưng vì sợ dịch nên không đi thăm khám. Gần đây đau bụng tăng lên kèm bụng chướng, bác mới đi khám và đã được chẩn đoán: Ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng, di căn phúc mạc. “Trường hợp của bác K chỉ được điều trị bằng hóa chất mà không còn cơ hội để điều trị phẫu thuật cắt đoạn dạ dày và vét hạch, nghĩa là không còn cơ hội điều trị triệt căn bệnh”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Nhiều loại ung thư có hy vọng trong điều trị

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư như: Phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và gần đây có thêm phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và mô bệnh học, thể trạng của người bệnh, kinh tế của từng gia đình mà sẽ có phương pháp điều trị riêng cho mỗi cá thể người bệnh. Bác sĩ Phương cho biết, với những kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, thì nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi đã được ứng dụng rất thành công những tiến bộ này.

BS Phương cho biết thêm, về cơ bản, bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện bệnh sớm hơn so với trước đây, có nhiều phương pháp điều trị hơn. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn thì cần phẫu thuật phối hợp hóa trị, xạ trị. Ở giai đoạn cuối, bệnh đã di căn thì được điều trị toàn thân như hóa trị, đích và miễn dịch…

Trước đây, nhiều bệnh nhân ung thư phổi có mong muốn điều trị miễn dịch, nhưng do thuốc rất đắt (khoảng trên 100 triệu/tháng) nên nhiều gia đình không có khả năng chi trả. Hiện nay, điều trị miễn dịch tùy theo thuốc và liều sử dụng, khoảng từ 40-60 triệu/tháng nên nhiều người bệnh đã chịu được chi phí này. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng điều trị miễn dịch được, mà tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Cá thể hóa người này có hiệu quả, nhưng người kia lại không hiệu quả. Vì vậy, bác sĩ phải làm đột biến gene… để đánh giá và lựa chọn phương pháp điều trị.

“Nhờ phương pháp chẩn đoán sớm và sự tiến bộ trong điều trị, bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội kéo dài thời gian sống hơn. Trước đây, bệnh nhân nếu di căn não thường chỉ sống 3-6 tháng nhưng nhờ máy móc thiết bị hiện đại, điều trị đích, điều trị miễn dịch… bệnh nhân có thể kéo dài 3-4 năm, có người 7-8 năm. Chúng tôi đã điều trị được cho những trường hợp ngoạn mục như vậy dù khi đến với chúng tôi họ đã ở giai đoạn muộn”, bác sĩ Phương nói.

Để phòng tránh bệnh lý ung thư, bác sĩ Phương khuyến cáo mọi người cần phải có lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, những người có yếu tố nguy cơ cao thì tầm soát ung thư. “Chúng ta cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. Nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì. Nếu gia đình có tiền sử có người mắc ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý này. Trẻ em nên tiêm phòng vaccine đầy đủ tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ung thư như virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người (HPV) để giảm thiểu nguy cơ ung thư gan, ung thư cổ tử cung”, bác sĩ Phương nói.

Trần Hằng
.
.
.