TP Hồ Chí Minh thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống COVID-19
Những ngày gần đây số F0 tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng nên thành phố đã kích hoạt nhiều trạm y tế lưu động, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", lập bệnh viện dã chiến…
Ngày 8/11, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.316 ca nhiễm mới, ngày 9/11 ghi nhận 1.276 ca, ngày 10/11 ghi nhận 1.414 ca, ngày 11/11 ghi nhận 1.185 ca. Số bệnh nhân nhập viện những ngày qua luôn cao hơn số trường hợp xuất viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, hiện nay số ca mắc mới trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng. Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo các quận, huyện để theo dõi, phát hiện các ổ dịch, kịp thời cách ly, ngăn chặn ổ dịch; đặc biệt là theo dõi các trường hợp chuyển nặng, giảm thiểu tử vong.
Sở Y tế cũng điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ các trung tâm y tế, trạm y tế địa phương để quản lý F0, kịp thời cấp phát gói thuốc, phát hiện các trường hợp bệnh chuyển nặng. Thành phố cũng đã kích hoạt 40 trạm y tế lưu động tại huyện Hóc Môn, lên phương án vận hành bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, kích hoạt Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"…
Huyện Hóc Môn là địa bàn có số ca mắc tăng cao trong những ngày gần đây. Từ ngày 22 - 28/10, ghi nhận trên địa bàn huyện 346 ca, từ ngày 29/10 - 4/11 là 342 ca, riêng ngày 10/11 ghi nhận đến 633 ca trong cộng đồng và hộ gia đình.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, nguyên nhân là do địa bàn rộng, dân cư đông, người dân còn chủ quan sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Thành phố mở cửa, tái sản xuất, nhiều công nhân từ các tỉnh lân cận quay lại làm việc, khi test nhanh phát hiện dương tính. Bên cạnh đó, việc quản lý của doanh nghiệp còn chưa nghiêm, lực lượng chức năng trên địa bàn còn mỏng, việc quản lý chưa tập trung.
"Về giải pháp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xác định huyện phải xây dựng, vận hành bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường. Huyện cũng tăng cường khoanh vùng, xét nghiệm có trọng tâm khu vực có nguy cơ; xử lý nhanh, dứt điểm các ổ dịch phát sinh; tăng cường công tác tuyên truyền…", bà Châu cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, hiện nay huyện cũng được đánh giá tình hình dịch bệnh ở cấp độ 2. Tuy nhiên, 5 ngày gần đây trên địa bàn tăng 62 ca. Từ ngày 5 - 9/11 phát sinh 543 ca, nguồn lây từ các doanh nghiệp ở các khu chế xuất (KCX) và doanh nghiệp bên ngoài là 250 ca, chiếm khoảng 46%. Trong đó, khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước chiếm 21%, KCX Tân Thuận chiếm 26%, KCN Long Hậu chiếm 37% và các đơn vị ngoài chiếm 15%.
"Ngày 9/11, huyện đã làm việc với KCN Hiệp Phước và KCN Long Hậu thống nhất phối hợp thành lập khu cách ly F0 tại KCN Hiệp Phước, để cách ly cơ sở sản xuất, không để về cộng đồng, tránh nguy cơ lây nhiễm; tổ chức trạm y tế lưu động tại đây để kịp thời xử lý, chăm sóc F0. Riêng đối với KCN Long Hậu, trước mắt lập đường dây nóng, tiếp nhận F0 và kịp thời thông báo, cách ly với gia đình. Huyện cũng đã có kế hoạch làm việc KCX Tân Thuận để có phương án phòng, chống dịch sớm nhất. Huyện cũng vận động các chủ nhà trọ khai báo, nắm thông tin đầy đủ người lưu trú, dành 50% công suất nhà trọ để thực hiện cách ly nếu phát hiện F0", ông Võ Phan Lê Nguyễn cho biết.
Ngày 12/11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh quyết định kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh COVID-19. Khi cần tư vấn và hỗ trợ của "Thầy thuốc đồng hành", F0 hoặc người thân hãy gọi tổng đài "1022", bấm phím "4".
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" - sáng kiến của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã huy động hơn 7.000 bác sĩ trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn. Qua đó, các thầy thuốc tình nguyện đã tư vấn, sàng lọc những trường hợp F0 có dấu hiệu nặng và kịp thời hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc; đồng thời kết nối với các tổ phản ứng nhanh, các trạm cấp cứu vệ tinh để cấp cứu và điều trị.
Hoạt động tư vấn của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành lại càng gần gũi với người dân và càng phát huy hiệu quả. Trong sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã được chọn là 1 trong 10 mô hình hoạt động sáng tạo và hiệu quả.
Ngày 12/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) tổ chức buổi lễ ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết đây là một hoạt động trong hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao năng lực kiểm dịch của ngành Y tế. Đội đặc nhiệm kiểm dịch sẽ là cầu nối giữa HCDC và quận huyện, phường xã để giúp sự phối hợp luôn nhịp nhàng, liền lạc trong hệ thống chống dịch, nhằm khống chế và triệt tiêu các ổ dịch nhanh nhất có thể.
Tại họp báo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều tối 11/11, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, nhiều người dân đang có dấu hiệu, chủ quan, buông lỏng. Các địa bàn dù đang ở nguy cơ thấp (vùng xanh) nhưng nếu chủ quan thì việc tăng cấp độ nguy cơ (sang vùng cam, vùng đỏ) là hoàn toàn có thể xảy ra.
Các trường hợp F0 không triệu chứng vẫn mang trong mình mầm bệnh và có khả năng phơi nhiễm cho cộng đồng. Việc thống kê số lượng F0 ở một số địa bàn có thể chưa đầy đủ do có trường hợp F0 không cộng tác với cơ sở y tế địa phương, tự ở nhà chữa trị và không tuân thủ 5K.
Vì vậy, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, tránh tâm lý chủ quan với dịch bệnh và cho rằng sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine thì không còn đáng ngại, việc gia tăng F0 là bình thường.