TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Thứ Năm, 19/10/2023, 17:03

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, thành phố cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB); phát triển chiến lược toàn diện về du lịch y tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Ý kiến này được PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp với Báo Tiền Phong, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức ngày hôm nay, 19/10, tại TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN -0
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên rất cao, đối mặt mô hình bệnh tật kép, lây nhiễm như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng; bệnh không lây nhiễm như ung thư, huyết áp, tim mạch, béo phì, tiểu đường, thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa… dẫn đến các bệnh viện phải căng mình ra ứng phó…

Mục tiêu xây dựng Luật KCB năm 2023 với 4 nội dung cơ bản gồm: tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển; nâng cao chất lượng KCB cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KCB.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê thông tin, tình hình công tác quản lý KCB tại TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trung bình 15%. TP Hồ Chí Minh hiện có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.  

TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN -0
Hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” tổ chức ngày hôm nay, 19/10, tại TP Hồ Chí Minh.

“Để TP Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật KCB và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh…

Tại hội thảo, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết hệ thống y tế của thành phố bao gồm 129 BV (12 BV bộ, ngành, 32 BV thành phố, 19 BV quận/huyện và 66 BV tư nhân), 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8.000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Trong đó, 22 BV được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, 45 BV được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đào tạo liên tục.  

Bên cạnh các BV trực thuộc Sở Y tế, trên địa bàn thành phố còn có các BV trực thuộc bộ, ngành như BV Quân y 175, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược, BV Thống Nhất, BV 30/4… là những BV phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, thành phố đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn thành phố, bao gồm: Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố”; Đề án “Phát triển y tế chuyên sâu TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030”; Đề án “Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phát triển công nghiệp dược TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Phú Lữ
.
.
.