TP Hồ Chí Minh đối mặt với dịch sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 13/05/2022, 08:11

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tới khám và điều trị tại các bệnh viện tăng cao, đặc biệt là có nhiều ca SXH nặng.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố có 4.491 trường hợp SXH. Có 109 trường hợp SXH nặng, tăng 354 % so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca) và đã có 2 trường hợp tử vong do SXH. Đây là số liệu rất báo động vì so sánh với năm 2019, năm SXH bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

BS CKII Phan Vĩnh Thọ - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca SXH đến khám và nhập viện tăng gấp 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tuần đầu tháng 4, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã điều trị gần 10 ca sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca sốc rất nặng khi nhập viện.

sot xuat huyet1 copy.png -0
Trẻ mắc SXH được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, từ tháng 3/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 bệnh mắc SXH, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 47 ca SXH trẻ em và 283 ca người lớn, trong đó có những ca mắc bệnh SXH rất nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca SXH đến khám và nhập viện tăng 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc của bệnh viện trong tháng 4 đã tiếp nhận hơn 10 ca SXH nặng có sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở ngưng tim trước nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ bị SXH tăng cao. ThS Bác sĩ Nguyễn Đình Qui – Phó khoa Nhiễm thông tin, tỷ lệ trẻ SXH nhập viện tăng 2 - 2,5 lần so với cùng kỳ. Số ca nặng chiếm khoảng 10 - 15%. Hiện tại, khoa có 3 ca phải thở máy, còn có những ca cũng chẩn đoán nặng có sốc, có tổn thương gan, rối loạn đông máu nhưng chưa cần thở máy lọc máu. Số ca nặng là 7 ca trên tổng số 40 ca đang điều trị.

Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi ở Tây Ninh khoảng 10 tuổi nhập viện vào ngày thứ 4 của bệnh trong tình trạng tổn thương đa cơ quan thận, phải lọc máu. Các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không cứu được bệnh nhi. Có trường hợp một cô giáo hốt hoảng bế học sinh vào nhập viện khi bệnh nhi này đã trở nặng. Do sau 3 – 4 ngày bệnh nhi có hiện tượng hạ sốt, phụ huynh cứ tưởng con hết bệnh nên cho đi học bình thường. Vào lớp, cháu xuất hiện tình trạng mệt hơn, bứt rứt, rối loạn tiêu hóa, khiến cô giáo phải bế ngay vào cấp cứu tại bệnh viện.

Dễ bỏ sót bệnh vì nhầm tưởng mắc COVID-19

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), cao điểm SXH thường vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, năm nay, trước 2 tháng đã có nhiều trẻ mắc SXH, với nhiều ca bệnh nặng. Bệnh nhi mắc SXH đa phần từ 5 – 13-15 tuổi. Những bệnh nhi nhỏ hơn chưa ghi nhận nhiều. Song, cũng phải đề phòng, tránh trẻ nhũ nhi (dưới 2 tuổi), trẻ nhỏ có yếu tố béo phì. Phụ huynh thấy con sốt 2 – 3 ngày thì nên đưa đi khám xem có bị COVID-19 hay SXH không. Triệu chứng ban đầu của bệnh SXH khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót.

Đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy. Hiện nay, người dân còn tâm lý sợ dịch bệnh COVID-19 nên hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám dù có triệu chứng, hay vì quá lo dịch bệnh COVID-19 mà quên đi bệnh SXH.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm cho biết, tỷ lệ trẻ mắc SXH nặng phải nhập viện giữa thành phố và các tỉnh cũng ngang nhau. Thế nhưng, 90% đều tự điều trị tại nhà. Nhóm nặng hay gặp ở khoảng 8 -13 tuổi. Đáng ngại nhất là trẻ mắc SXH ở tuổi nhũ nhi vì khó nhận biết triệu chứng, khó xử lý vì mạch máu rất nhỏ, chăm sóc cũng khó khăn, do đó càng phải lưu ý.

COVID-19 thường có triệu chứng của hô hấp, sốt, hắt xì, ho... còn SXH thì sốt cao liên tục khó hạ sốt, không có triệu chứng 2, 3 ngày đầu, đến ngày 3, 4 có thêm ói mửa, đau bụng, chảy máu… Trẻ em sốt trên 48 giờ không cải thiện phải đến cơ sở khám để biết bệnh gì theo dõi. Không nên chủ quan mà phải tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày. Có nhiều trường hợp trẻ 3 ngày đầu sốt giảm tới ngày thứ 4 trở nặng, sốc…

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, HCDC triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế. Nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh SXH, tránh bỏ sót. Người dân nên dọn dẹp nhà, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng, sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Huyền Nga
.
.
.