TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Ngoài nguồn cung vaccine từ Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã chủ động báo cáo, xin Chính phủ cho phép sử dụng nguồn lực ngân sách, nguồn vận động, hỗ trợ để chủ động tìm kiếm nguồn vaccine bổ trợ.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 3/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, trong đợt 5 (tính từ 14h ngày 22/7 đến ngày 3/8/2021), thành phố đã tiêm được 920.329 liều vaccine COVID-19.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có 4 loại vaccine. Đang được thành phố tiêm chủ yếu là Astra Zeneca, Moderna và Pfizer, từ nguồn cung cấp của Bộ Y tế (16 đợt, khoảng 2,5 triệu liều). Khoảng 2 triệu người dân thành phố đã tiêm ít nhất 1 mũi, hơn 70.000 người được tiêm 2 mũi (không kể số lượng Bộ Y tế cấp cho các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh).
Ngày 31/7, 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất đã về đến TP Hồ Chí Minh. Sau khi thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, vaccine Vero Cell sẽ được tiêm như các loại vaccine khác, theo tinh thần tự nguyện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức nhấn mạnh, cho đến nay, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. Các loại vaccine được cung ứng tiêm cho người dân hiện nay phải thoả mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sản xuất và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Từ ngày 3/8, TP Hồ Chí Minh bước vào đợt 6 của chiến dịch tiêm vaccine, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo thống kê, thành phố có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, khoảng 2 triệu người đã được tiêm. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Y tế cấp khoảng 5 - 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8/2021; riêng từ 5/8 – 31/8/2021, thành phố cần tối thiểu 210.000 liều để có thể tiêm đúng tiến độ.
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, TP Hồ Chí Minh đang triển khai 1.200 đội tiêm, công suất tiêm 250 người/đội/ngày, đạt tổng công suất 300.000 người/ngày (có thể nâng lên 350.000 người/ngày).
Nếu đảm bảo nguồn cung và tiến độ cung vaccine, khoảng 70 - 80% người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm vaccine. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại, thành phố sẽ sử dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân thiếu đói.
TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối viện trợ cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã; phát huy mạng lưới, hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện để nắm các đối tượng cần hỗ trợ.
Đối với việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 9 của Hội đồng nhân dân thành phố, một số đối tượng không được nhận hỗ trợ do không thuộc quy định của chính sách. Vì vậy, thành phố đã đề nghị xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động, sinh viên không thu nhập, người không thuộc đối tượng của Nghị quyết 9 đang gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: "Trong giai đoạn khó khăn này, mong người dân thông cảm và đồng lòng ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố. Người dân nếu gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ, chủ động liên hệ từng địa phương và thông qua các tổng đài để thành phố ghi nhận, kịp thời chăm lo".
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất việc thực hiện gói hỗ trợ 868 tỷ theo Nghị quyết 9 về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố và đang tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ khác.
Đến nay, kinh phí hỗ trợ người mất việc làm không có cam kết hợp đồng lao động là hơn 480 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ hơn 10.400 điểm kinh doanh với số tiền gần 16 tỷ đồng; hỗ trợ 44.244 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương gần 84 tỷ đồng; hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho khoảng 200 lao động bị chấm dứt, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…