Tọa đàm Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở
Nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, sáng nay 22/11/2021, Báo CAND tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở”
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế, ghép tạng ở Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần chăm sóc sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tính từ ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam (năm 1992, ghép thận), sau 30 năm, đã có hàng ngàn người được ghép tạng, qua đó nhiều người được tái sinh theo đúng nghĩa của từ này.
Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não nhằm giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới để thay đổi nhận thức cộng đồng, tăng nguồn cung tạng.
Đặc biệt, về mặt kĩ thuật, cần nhận thức, xác định rõ hơn tình trạng chết não, “thời gian vàng” của việc lấy tạng từ người cho chết não… để ghép tốt nhất, hiệu quả nhất cho người được ghép tạng.
Nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng, sáng nay 22/11/2021, Báo CAND tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Hiến tạng và Nâng cao hiệu quả công tác chẩn đoán chết não tại tuyến bệnh viện cơ sở”. Diễn giả tham dự buổi tọa đàm gồm GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bộ Y tế; GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch hội Gây mê Hồi sức Việt Nam và MC Minh Hà, VTV3.