Thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi "ém" tại các hiệu thuốc
Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng hóa phục vụ cho công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh COVID-19.
Điều đáng nói, trước tình trạng dịch diễn biến phức tạp nhưng một số mặt hàng để phục vụ chống dịch đang khan hiếm khiến dư luận rất lo lắng mua phải hàng trôi nổi trên thị trường...
Mới đây, trưa 4/3, tại Km806 QL 1A qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, lực lương CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh dừng xe ôtô khách BKS 74B 00270, do Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1990, trú huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 6.000 bộ kit test COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Cơ quan Công an đã phân loại và xác định có 5.000 kit test nhanh COVID hiệu Ly Sun và 1.000 kit test nhanh COVID-19 hiệu Realy Tech.
Qua đấu tranh với lái xe và các chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng xác định, cả 2 loại kit test nhanh COVID-19 hiệu Ly Sun và Realy Tech, bên ngoài vỏ ghi chữ Thái Lan, nhưng bên trong kit test lại ghi chữ Trung Quốc. Lô hàng này được xác định có trị giá khoảng 400 triệu đồng. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Việc này dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán...
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ quan trên cũng được UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sau những ngày đầu ra quân, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 3 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh có hành vi bán lẻ thuốc điều trị COVID-19 khi chưa được Bộ Y tế cho phép, gồm: nhà thuốc Minh Long (đường Hùng Vương, TP Huế), nhà thuốc Minh Ty và nhà thuốc Thuận Thái (cùng đóng ở đường Ngô Quyền, TP Huế). Thanh tra Sở Y tế vừa ra quyết định xử phạt hành chính mỗi nhà thuốc nói trên số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi bán lẻ thuốc không được bán theo quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng như các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường nhằm chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển những mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt là các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những cơ sở không có chức năng kinh doanh những mặt hàng chưa được phép lưu hành, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng… nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế có chất lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm (ANM&PCTP) sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến cáo rằng, nắm bắt tâm lý, nhu cầu của người dân cần mua các thiết bị y tế để sử dụng trong công tác phòng, chống dịch nên nhiều đối tượng đã giả vờ bán hàng qua mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình, vừa qua, Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bắt giữ đối tượng Đinh Trung Kiên (SN 1996, ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) về hành vi chiếm đoạt tài sản của hàng loạt người dân bằng chiêu lừa bán khẩu trang qua mạng.
Đối tượng Kiên sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng tải các bài viết với nội dung mua bán, cung cấp sỉ, lẻ các loại khẩu trang với số lượng lớn. Kiên đề nghị người có nhu cầu mua trực tiếp liên hệ với Kiên qua Messeger hoặc qua số điện thoại do Kiên cung cấp.
Sau khi trao đổi và thống nhất thỏa thuận, Kiên yêu cầu nạn nhân chuyển trước toàn bộ hoặc đặt cọc trước một phần tiền mua hàng. Khi nhận được tiền, Kiên cắt liên lạc, chặn Facebook và chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Bằng thủ đoạn này, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt của 151 bị hại trên cả nước với tổng số tiền hơn 135 triệu đồng…