Thức khuya, tắm muộn, người trẻ dễ bị đột quỵ
Chỉ trong 1 tháng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tới 100 bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 – 250.000 ca bệnh đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ hoá...
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca đột quỵ vào cấp cứu, trong đó 10% là người trẻ. Có tháng, đơn vị tiếp nhận tới 100 bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ. Nữ bệnh nhân hơn 30 tuổi (Hà Nội) không bao giờ nghĩ mình bị đột quỵ ở tuổi còn trẻ, vị sức khoẻ của chị hoàn toàn bình thường. Biểu hiện ban đầu khá mờ nhạt, chị hay đau đầu, nghĩ rằng do thức khuya nên không chú ý. Tới một ngày đang ngồi chị bỗng đau đầu dữ dội, có dấu hiệu khó cử động nửa người, tiếng nói méo, khó nói, người nhà đưa tới bệnh viện mới biết mình bị đột quỵ.
Hay thiếu niên 16 tuổi chuyển từ Lào Cai xuống với chẩn đoán đột quỵ chảy máu não, trong tình trạng đau đầu nhiều, yếu nửa người bên phải. Trước đó, thiếu niên có biểu hiện chóng mặt, tê bì má bên phải vài ngày sau mới đã và đã nói với mẹ. Người mẹ không nghĩ con mình bị đột quỵ ở lứa tuổi còn nhỏ như vậy.
BS Phùng Đình Thọ, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người trẻ còn lơ là với triệu chứng đột quỵ và khi họ vào tới viện thì tình trạng đã nặng. Nhiều gia đình rất sốc vì không nghĩ rằng bệnh nhân còn trẻ mà đã đột quỵ, các bác sĩ phải giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu. Các ca đột quỵ vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai hay gặp vào buổi sáng sớm và ban đêm bệnh nhân đi ngủ người nhà phát hiện ra đột quỵ.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, nguyên Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội, kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy, người trẻ chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ và bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ. Nhiều cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ, như Bệnh viện Trung ương Cần Thơ điều trị ca đột quỵ trẻ nhất mới 21 tuổi; hay trẻ em mới 8 tuổi đã bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương…
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng người trẻ bị đột quỵ như: Thức khuya, tắm muộn, lười vận động, thường xuyên ăn đồ nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… BS Phùng Đình Thọ thì cho biết, nhiều người trẻ chưa quan tâm đúng mức đến căn bệnh này như chế độ ăn không lành mạnh, ăn quá nhiều đồ ngọt, đường tinh chế, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện… Triệu chứng đột quỵ không gây ra nhiều nên người trẻ chủ quan không đi khám, nhất là triệu chứng đau đầu. Có tới khoảng 20% ca đột quỵ có cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng không chú ý, chủ yếu khi người bệnh có dấu hiệu đột ngột thì mới biết và tới viện. Ở người 30-40 tuổi có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… thì cần phải kiểm soát và thăm khám định kỳ.
Hiện nay, ngoài Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai còn có hơn 100 bệnh viện, trung tâm thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó phần lớn tập trung ở các TP lớn, nhiều tỉnh, thành không có cơ sở nào, bệnh nhân phải di chuyển nhiều giờ mới tới bệnh viện, làm mất đi thời gian vàng để điều trị. Hiện có tới 76% người đột quỵ nhập viện muộn, bỏ lỡ thời gian vàng. “Cấp cứu đột quỵ có thành hay không phải đến trong 4-5 giờ đầu, đây gọi là giờ vàng. Tuy nhiên, những bệnh nhân đến với chúng tôi chỉ 20% là kịp giờ vàng, còn lại đến trong tình trạng muộn và hôn mê sâu”, BS Thọ cho biết.
Thiếu cơ sở điều trị đột quỵ vẫn đang là thách thức đặt ra hiện nay. Theo các chuyên gia, điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ, vì vậy cần 300 đơn vị đột quỵ nữa trong những năm tới, ít nhất là 200 cơ sở y tế để quản lý hàng trăm nghìn bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ não đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, ngay cả khi bệnh nhân đột quỵ sống sót thì nguy cơ bị tàn phế cũng rất cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, tốt nhất là phải dự phòng bệnh. Hiện nay, có nhiều gói tầm soát đột quỵ được quảng cáo trên mạng xã hội như lọc máu công nghệ Nhật Bản, hay chụp cộng hưởng từ sọ não… Các chuyên gia cho rằng lọc máu công nghệ Nhật Bản chưa có cơ sở khoa học; chụp cộng hưởng từ không phải đối tượng nào cũng nên chụp, gây tốn kém và lãng phí. Biện pháp dự phòng tốt nhất là xử lý tốt các yếu tố nguy cơ: Tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp… và thay đổi lối sống.
“Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế sớm nhất có thể. Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận nhiều bệnh nhân đã bị người nhà nghe theo truyền miệng dân gian sơ cứu sai cách như: 10 đầu ngón tay, 10 đầu ngón chân, thậm chí cả dái tai đều bị chích rạch gây chảy máu; đột quỵ rồi cho uống thuốc huyết áp, cố nhét thuốc An Cung hoặc những viên thuốc to càng gây cho bệnh nhân dễ bị sặc, hoặc suy hô hấp. Hoặc sai lầm nữa là giữ nguyên người bệnh đang đột quỵ không cho đi đâu. Người nhà cần phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ càng sớm càng tốt, tránh đánh ngã, nôn sặc cho bệnh nhân và gọi ngay xe cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất”, BS Thọ khuyến cáo.