Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn người dân việc mua bán thuốc điều trị COVID-19

Chủ Nhật, 12/12/2021, 10:27

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 9072/VPCP-KGVX ngày 11/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị COVID-19.

Những ngày qua, báo chí có phản ánh việc mua một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được ra bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sĩ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà, các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm COVID-19.

Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng cao tại nước ta, lợi dụng vào tâm lý lo lắng của người dân, một số đối tượng đã rao bán thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 giá cao trên mạng xã hội. Thậm chí, theo phản ánh của người dân, khi họ tìm mua thuốc kháng virus Molnupiravir trên thị trường “chợ đen” đã rao bán 10 triệu đồng/lọ thay vì 2,4 triệu đồng như cách đây 1 tháng.

4a.jpg -0
Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19… Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Trước việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Tại Hà Nội, thị trường tiêu thụ thuốc sau TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thủ đô cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng thuốc Molnupiravir đúng đối tượng bệnh nhân, đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt và cập nhật ngay thông tin bệnh nhân, thông tin sử dụng thuốc vào hệ thống quản lý của chương trình khi cấp phát, sử dụng. Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện đa khoa Đống Đa – đơn vị đầu ngành về truyền nhiễm quản lý chặt chẽ thuốc Molnupiravir từ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát tới các đơn vị tham gia triển khai chương trình; theo dõi sử dụng và thu hồi thuốc trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng hết vì bất cứ lý do gì, tránh để kẻ xấu trục lợi.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trần Hằng
.
.
.