Thời tiết nồm ẩm kéo dài, cẩn trọng với nhiều bệnh

Chủ Nhật, 12/02/2023, 09:48

Thời tiết nồm, ẩm ướt, mưa phùn kéo dài khiến nhiều người mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, viêm phổi, dị ứng, cúm, thuỷ đậu... có gia đình cả nhà mắc bệnh khiến trẻ nhỏ phải nghỉ học, người lớn nghỉ làm. Không chỉ tấn công các bệnh về phổi, hô hấp, mà virus phát triển mạnh khi trời nồm còn gây bệnh viêm da.

Cả nhà cùng mắc bệnh

Hơn 1 tuần trở lại đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh trẻ nhỏ và người già nhập viện do thời tiết nồm ẩm, mưa xuân kéo dài. Bị cúm B hơn 1 tuần chưa khỏi, ngày 11/2, anh Bùi Minh Hải (Tây Hồ, Hà Nội) đưa mẹ tới Bệnh viện E Hà Nội khám với triệu chứng hắt hơi, xổ mũi, ho, đau họng. "Cùng triệu chứng còn có 2 đứa con, nhưng các cháu chỉ ở nhà uống thuốc cảm, không đi khám, chắc cả nhà lây nhau", anh Hải cho biết.

Thời tiết nồm ẩm kéo dài, cẩn trọng với nhiều bệnh -0
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Lão khoa Trung ương cấp cứu vì mắc bệnh hô hấp do thời tiết nồm ẩm.

Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân nhập viện sau Tết tăng vọt - 150%. Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, hầu hết các trường hợp nhập viện đều mắc các bệnh lý như tim mạch, hô hấp, thần kinh, trong đó bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh. Nguyên nhân do thời tiết lạnh kèm nồm ẩm kéo dài khiến cho những người cao tuổi, người có bệnh nền bị suy giảm miễn dịch nặng nề.

"Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn phát triển, cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục như sáng mưa phùn kèm theo sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh", BS Thắng giải thích thêm.

Thời tiết nồm, độ ẩm cao (trên 90%), không khí lạnh là yếu tố nguy cơ dẫn tới khởi phát các đợt phổi cấp, suy hô hấp, đe doạ tính mạng người cao tuổi, nhất là người có bệnh nền, sức đề kháng suy giảm. Các bác sĩ đặc biệt lưu ý đối với những người có tổn thương phổi sau nhiễm COVID-19, phải cẩn trọng để không mắc bệnh trong thời điểm này.

Còn ThS.BS Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng 3 tuần đầu sau Tết, số ca hen phế quản, viêm họng, viêm xoang đến khám và điều trị tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước, cao hơn trung bình 20-30% so với trước Tết. Trong đó, đa phần là người cao tuổi, có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh tim mạch, khi mắc bệnh đã trở nặng, diễn biến phức tạp. Có bệnh nhân vừa xuất viện vài ngày đã phải quay trở lại điều trị do bệnh tái phát.

Đặc biệt, BS Ngân cho biết, có nhiều gia đình cả nhà cùng mắc cúm do lây chéo. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Tâm Anh và nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc cúm, đặc biệt là cúm A có xu hướng tăng. Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sáng 10/2, nhiều trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm họng, sốt đến khám. "Thời tiết thật khó chịu, cháu ho, hơi sốt, hắt hơi, xổ mũi liên tục khiến mệt mỏi quấy khóc suốt", một phụ huynh bế con gái 3 tuổi đến khám kể. Khi vào lấy máu xét nghiệm, cháu khóc ngằn ngặt. Đến cuối giờ trưa mới có kết quả xét nghiệm, cháu bé nhiễm cúm B.

Cẩn trọng với viêm da

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 2 tuần nay, người đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương tăng mạnh. Mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc các bệnh da liễu liên quan đến yếu tố thời tiết. Đặc biệt, nhiều trường hợp chủ quan không đi khám dẫn tới biến chứng khó lường. Điển hình là nam bệnh nhân 72 tuổi đến khám trong tình trạng mẩn đỏ, bong tróc toàn bộ vùng da. Cách đây hơn chục ngày, ông đã có triệu chứng nhưng không đi khám, sau đó tự mua những bài thuốc truyền miệng về sử dụng. Kết quả vết mẩn ngứa càng nặng, lan rộng và lan lên cả da đầu.

Tương tự, vào ngày 8/2, chị B.T.T (42 tuổi, Hà Nội) vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng mề đay toàn thân, ngứa ngáy khó chịu. Chị T cho biết, từ khi trời chuyển nồm chị bắt đầu ngứa, cộng với thường xuyên tiếp xúc với mưa lạnh. Sau 3 ngày điều trị thuốc kháng histamin và một số thuốc đặc trị, cùng với vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sấy khô quần áo trước khi mặc theo hướng dẫn của bác sĩ, chị T mới hết ban ngứa.

Theo BS Nguyễn Thị Thuỳ Ninh, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh dị ứng gia tăng khi thời tiết nồm ẩm. Nguyên nhân do nồng độ nấm mốc, vi khuẩn, phấn hoa trong không khí tăng cao. Về mùa này, bệnh lý tăng nhiều nhất là nấm da và một số bệnh liên quan đến virus như zona, herpes, viêm nang lông, trốc… Với bệnh do virus, nhiễm khuẩn luôn có biểu hiện rõ ràng là sốt, ho, viêm long đờm hô hấp trên, tổn thương ngoài da như phát ban, mụn nước. Những bệnh về da liên quan tới virus tiến triển tương đối nhanh, cấp tính.

BS Ninh cảnh báo, nếu chủ quan trong mùa nồm ẩm, vi khuẩn, virus rất dễ nhiễm bệnh, thậm chí tái nhiễm nhiều lần. Thêm nữa, đây còn là mùa lễ hội, tập trung đông người, nguy cơ cao lây lan các bệnh truyền nhiễm như sởi, thuỷ đậu, rubella… thậm chí có thể bùng phát thành dịch. Để phòng tránh, BS khuyến cáo mọi người cần sấy khô quần áo trước khi mặc.

Trong nhà nên dùng máy hút ẩm, hoặc có biện pháp làm giảm độ ẩm trong nhà như dùng khăn lau khô sàn, cửa kính, thay chăn ga gối thường xuyên. Đặc biệt, người dân cần nâng cao hệ miễn dịch để tăng sức chống chọi với bệnh tật bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường nhóm thực phẩm vitamin C, rau xanh, uống đủ nước.   

Trần Hằng
.
.
.