Thời tiết giao mùa, nhiều người phải nhập viện

Chủ Nhật, 19/02/2023, 09:33

Thời tiết giao mùa thay đổi liên tục trong những ngày đầu xuân đã khiến nhiều dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là các bệnh sởi, thuỷ đậu, cúm, ho gà… Nhiều trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ, đã mắc các bệnh truyền nhiễm. Các bác sĩ cảnh báo, cha mẹ không được tự ý làm “bác sĩ” và tự điều trị cho con tại nhà.

Tăng bệnh nhi bị viêm đường hô hấp

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ đến khám rất đông, phần lớn là mắc các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, cúm, tiêu hoá. TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện Khoa khám bệnh tiếp nhận trung bình khoảng 3.500 bệnh nhi/ngày.

Nhi-1676774084933.jpg
Phụ huynh đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh.

Thấy con đau đầu, đau họng, sốt, nhức mỏi người, chị Nguyễn Thanh Hằng (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) mua thuốc kháng sinh và chống viêm về cho con uống. Ba ngày sau, cháu bé không đỡ, sốt cao, chị cho con tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả xét nghiệm, cháu bé nhiễm cúm B. “Bác sĩ dặn về cho con xúc họng bằng nước muối hàng ngày, uống thêm vitamin, uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chứ không cho dùng thuốc”, chị Hằng kể.

Thời tiết đang nồm ẩm chuyển sang lạnh khô đã khiến nhiều trẻ nhỏ đổ bệnh. Hai hôm trước con anh Phạm Tuấn Hùng (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) chỉ khò khè, sốt nhẹ, nhưng khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, sau khi chụp X-quang, cháu đã bị viêm tiểu phế quản. Tương tự, có cháu bé 3 tuổi, sau 3 ngày sốt cao, ho, đã đi khám ở phòng khám tư không đỡ, vào Bệnh viện Nhi Trung ương được chỉ định chụp X-quang, kết quả viêm phế quản.

Còn tại Khoa Nội nhi tổng hợp - Bệnh viện E, những ngày gần đây lượng bệnh nhi đến khám tăng 3 lần so với trước. Bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm do virus tăng lên rõ rệt như cúm, thuỷ đậu, nhất là trẻ bị sẵn các bệnh mãn tính như hen phế quản, viêm tiểu phế quản đến khám tăng mạnh. Đáng chú ý, có nhiều phụ huynh khi thấy con ho, sốt, sụt sịt đã tự mua thuốc ho, kháng sinh và thuốc cảm cúm cho con uống. Điển hình như anh Phạm Minh Khang (Tây Hồ, Hà Nội) thấy con gái sốt 39 độ, đau họng đã lấy đơn thuốc kháng sinh và chống viêm cũ ra hiệu thuốc mua về cho con uống. “Sau 2 ngày con không đỡ nhiều, tôi cho đến viện khám, bác sĩ vẫn kê thuốc nhưng là loại kháng sinh khác, chắc thuốc đang uống không đúng bệnh”, anh Khang cho biết.

Cảnh giác với bệnh thuỷ đậu, sởi

Mặc dù thuỷ đậu, sởi đã có vaccine, nhưng nhiều trẻ em không tiêm đã mắc bệnh. Tại Hải Dương đã bùng phát 4 ổ dịch thuỷ đậu với 46 người mắc, đều là trẻ em dưới 12 tuổi và chưa được tiêm phòng thuỷ đậu. Tất cả 4 ổ dịch đều bùng phát ở các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học thuộc các xã Kim Anh, Đồng Cẩm, Đại Đức (huyện Kim Thành) và Liên Mạc (huyện Thanh Hà). Các bệnh nhân đều ở thể nhẹ, được điều trị tại nhà.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, mặc dù các ổ dịch đã và đang cơ bản được kiểm soát, song thời tiết hiện nay đang là điều kiện thuận lợi để bệnh thuỷ đậu có nguy cơ bùng phát và lây lan, vì vậy phải tăng cường phòng chống, nhất là tại các trường học, phải phun sát khuẩn trường lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập…Đặc biệt, phải tuyên truyền cho cha mẹ học sinh cho con đi tiêm vaccine phòng bệnh thuỷ đậu, hướng dẫn cách chăm sóc con mắc bệnh thuỷ đậu tại nhà.

Tại Đắk Lắk, bệnh thuỷ đậu đang bùng phát có diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trong trường học. Theo Sở Y Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, số mắc rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố và có 2 ổ dịch tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Lắk. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường mầm non và tiểu học. Sở Y tế tỉnh này đã chỉ đạo giám sát điều tra ca bệnh tại nhà, dịch tễ xung quanh; điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại các trường học, tiến hành phun hoá chất khử khuẩn và cấp hoá chất cho các trường học ghi nhận ca bệnh để khử khuẩn hàng ngày.

Theo BS BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, thuỷ đậu thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đàu đầu, đau cơ…Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Khi bị thuỷ đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng nề, gây viêm não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan.

Đặc biệt mùa xuân là thời điểm dễ bùng phát bệnh sởi. Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, giai đoạn giao mùa đông – xuân (tháng 1 đến tháng 3) này là thời điểm sởi bùng phát mạnh nhất và là căn bệnh không thể coi thường. Ngoài ra, bệnh sởi cũng dễ lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết tai mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện…Nếu không được điều trị đúng cách, sởi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, suy giảm miễn dịch…thậm chí tử vong.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, để bảo vệ con trẻ trước các dịch bệnh, cha mẹ cần cho con tiêm phòng bệnh sởi, thuỷ đậu, cúm…đầy đủ và đúng lịch. Trường hợp đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang; giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày…

Trần Hằng
.
.
.