Thiếu nhân lực phục hồi chức năng cho người bệnh sau COVID - 19

Thứ Năm, 22/09/2022, 15:39

Theo WHO, trên thế giới tại thời điểm năm 2019, cứ 3 người thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe cần phục hồi chức năng. Tại Việt Nam, nhân lực phục hồi chức năng chỉ có 0,25 người/10.000 dân.

Tại Hội nghị Khoa học Phục hồi chức năng do Bộ Y tế và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức sáng 22/9, TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Theo Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật  được tiến hành năm 2016, có trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật; khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; dự báo, đến năm 2038, dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam ​​đạt 21 triệu người; một số lượng lớn bệnh nhân bị chấn thương, TNGT, tim mạch, đột quỵ… cần phục hồi chức năng.

“Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng ở nước ta chỉ đạt khoảng 40%, trong khi nhu cầu về phục hồi chức năng sẽ tiếp tục gia tăng”, TS Thái cho biết.

Phục hồi chức năng ở Việt Nam chỉ đáp ứng 40% nhu cầu của người bệnh -0
PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo phục hồi chức năng đột quỵ trong đại dịch COVID-19.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát phát ở Việt Nam, đặc biệt trong làn sóng thứ 4 từ tháng 4/2021 đến nay, có khoảng 20% người mắc COVID - 19 có biểu hiện các triệu chứng của bệnh, 5% trong số này nặng và nguy kịch. Những người bệnh qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng tổn thương phổi và các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Tất cả những người này rất cần được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, trước nhu cầu rất lớn đó thì nhân lực phục hồi chức năng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Khả năng cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng cũng như triển khai thực hiện kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách thanh toán BHYT cho dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng còn nhiều bất cập, nhiều dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó có dụng cụ phục hồi chức năng chưa thuộc phạm vi chi trả của BHYT. Đây là gánh nặng đối với người bệnh.

Phục hồi chức năng ở Việt Nam chỉ đáp ứng 40% nhu cầu của người bệnh -0
Hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19.

Trước tình hình trên, WHO khuyến cáo Chính phủ các nước cần xây dựng chiến lược phát triển phục hồi chức năng.

Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9/2022. Mục tiêu của Chiến lược nhằm đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng.

Theo đó, chỉ tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng đạt tối thiểu 0,5/10.000 dân; 80% người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng dịch vụ phục hồi chức năng ở các mức độ phù hợp; 60% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật và được chuyển tuyến để can thiệp sớm phù hợp…

Trần Hằng

.
.
.