Thầy thuốc trẻ với “cuộc chiến” chống đại dịch

Thứ Ba, 22/03/2022, 07:09

Hơn 2 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ đã trải qua những ngày tháng cam go và khốc liệt, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Cũng từ đây, đội ngũ thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trưởng thành đầy bản lĩnh, kiên cường nơi tuyến đầu, có rất nhiều tấm gương dũng cảm, hy sinh, hết lòng vì người bệnh trong những ngày dịch diễn biến căng thẳng nhất.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quang, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh – 1 trong 10 Thầy thuốc trẻ năm 2021 - cho biết: Hơn 2 năm qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go và khốc liệt đối với ngành y tế. Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, lượng bệnh nhân ngày càng tăng, chuyển biến nặng, tử vong cao, đã luôn thôi thúc lực lượng thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh phải liên tục học hỏi nâng cao chuyên môn, nâng cao năng lực điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành phủ sóng khắp mọi miền đất nước đã góp phần chăm sóc sức khoẻ người dân được tốt nhất.

Được biết, bác sĩ Quang tình nguyện tham gia các đội lấy mẫu, sàng lọc F0 tại cộng đồng và tại các vùng tâm dịch từ những ngày đầu khi TP Hồ Chí Minh bùng dịch COVID-19. Sau đó, anh tình nguyện tham gia công tác theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng F1 tại Khu cách ly khu B – Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình đó, anh đã nhiễm COVID-19 vào tháng 7/2021 và chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Trong thời gian điều trị, anh còn đề xuất Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 được tiếp tục làm việc, tổ chức thăm khám, điều trị, hỗ trợ cấp cứu cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại tòa nhà A4 - Bệnh viện Dã chiến số 6.

Thầy thuốc trẻ với “cuộc chiến” chống đại dịch -0
Nhiều thầy thuốc trẻ tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi khỏi bệnh, bác sĩ Quang tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến số 6. Với vai trò Trưởng khoa Cấp cứu 3, anh phụ trách 150 giường oxy, xây dựng các quy trình thăm khám, điều trị bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở máy. Bác sĩ Quang đã xây dựng các tiêu chuẩn nhận biết bệnh nhân nặng, cần chăm sóc, theo dõi đặc biệt nhằm hạn chế khả năng chuyển nặng và chuyển viện sớm đối với những ca vượt quá khả năng điều trị; phối hợp chuyên môn, hội chẩn kịp thời với Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là 1.000 giường.

Sau đó, bác sĩ Quang tham gia đoàn bác sĩ hỗ trợ tỉnh An Giang thành lập bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.Đặc biệt, anh đã tham gia mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tư vấn điều trị cho F0 trên toàn quốc.

Nhiều tấm gương thầy thuốc trẻ được tôn vinh đã có những cống hiến xuất sắc trong đại dịch COVID-19 và vì sức khỏe cộng đồng như bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội; bác sĩ Lê Xuân Tùng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhi Trung ương; bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí Thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an)…

TS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, trong đại dịch COVID-19, Hội đã xung kích tình nguyên, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội (hơn 160 tỷ đồng) và lực lượng thầy thuốc trẻ trên cả nước, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điển hình, Hội đã vận động, huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cán bộ y tế lực lượng tuyến đầu chống dịch với kinh phí 31,1 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ 24 tỷ đồng lương thực, thực phẩm; 4 tỷ đồng vật tư thiết yếu (cho các nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị COVID-19 tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh); 3,1 tỷ đồng hỗ trợ con em nhân viên y tế và các nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn.

Trong giai đoạn 2020-2021, Hội đã vận động nguồn lực trao tặng các địa phương các vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 với kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, có 3 buồng lấy mẫu bệnh phẩm, 5 hệ thống xét nghiệm, 5 container xét nghiệm lưu động, 1 container khám bệnh, 2 container cung cấp oxy y tế, 23.000 túi thuốc điều trị F0 và các máy ECMO, máy thở HFNTS.

TS Đức cũng cho biết, Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là sáng kiến của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, được thành lập từ tháng 7/2021 nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn chăm sóc, điều trị, cấp cứu người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho hệ thống y tế các tỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch cao điểm tại TP Hồ Chí Minh. Mạng lưới đã huy động hơn 10.000 y, bác sĩ đăng ký tình nguyện tham gia trên khắp cả nước. Sau gần 8 tháng đi vào hoạt động, mạng lưới đã thực hiện gần 2 triệu cuộc gọi, với tổng số hơn 4 triệu phút gọi, hỗ trợ trên 400.000 người bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều tài liệu, video về phòng, chống dịch, hỗ trợ người bệnh chăm sóc, điều trị tại nhà; tiêu biểu là “Bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà”, “Sổ tay chăm sóc trẻ em, thai phụ mắc COVID-19 tại nhà”.

Có thể nói, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành công chung của cả nước trong kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa ca chuyển nặng, tử vong, được các cấp, ban ngành ghi nhận, đánh giá cao, được các tổ chức trao tặng Giải thưởng tình nguyện quốc gia; giải nhất - Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2021; giải thưởng TechAwards 2021(VnExpress); ghi nhận tập thể truyền cảm hứng (Vietnamnet).

Trần Hằng
.
.
.