“Thập tử nhất sinh” vì tự ý dùng thuốc

Thứ Tư, 04/09/2024, 08:26

Nghe quảng cáo mùi mẫn chữa khỏi bệnh cơ xương khớp, nhiều người mua thuốc về uống và khỏi ngay nên càng tin tưởng. Nhưng không lâu sau đó, những người này phải nhập viện vì suy tuyến thượng thận, khi vào viện lại nhiễm trùng vi khuẩn kháng thuốc, điều trị khó khăn và vô cùng tốn kém. Lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid và sử dụng thuốc một cách bừa bãi, nhiều người phải gánh hậu quả nặng nề. 

Vốn có bệnh nền cơ xương khớp, ông P.V.V (76 tuổi, Bắc Giang) nghe quảng cáo trên mạng đã mua thuốc về uống. Mới đầu, thuốc có tác dụng ngay, ông V không thấy đau khớp nữa nên rất thích, tiếp tục mua. Dùng thuốc một thời gian, ông V bị loãng xương nhưng không biết. Trong một lần bị ngã gãy xương phải vào nhập viện phẫu thuật, ông mới biết thuốc mà mình uống khiến ông bị loãng xương, suy tuyến thượng thận, mắc hội chứng Cushing, tiểu đường, do trong thuốc chứa nhiều corticoid. Quá trình nằm viện, ông lại tiếp xúc với vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến ông bị nhiễm trùng máu, nhiễm nấm. Ông V được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, lọc máu, điều trị hồi sức tích cực thời gian dài, tốn kém chi phí lớn.

“Thập tử nhất sinh” vì tự ý dùng thuốc -0
Người dân không nên tự ý mua thuốc và dùng thuốc không theo chỉ định.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Tình trạng người dân lạm dụng thuốc chứa corticoid ngày càng nhiều, điển hình là những người cao tuổi mắc bệnh xơ xương khớp, nhưng lại tự ý mua thuốc về dùng. “Thấy dùng thuốc tự mua uống khỏi rất nhanh, nhiều người rất thích và uống thường xuyên. Khi vào viện đều bị suy tuyến thượng thận, tổn thương cơ xương khớp và nhiễm trùng với vi khuẩn kháng thuốc”, PGS Cường cho biết.

Theo chuyên gia, những bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện lâu, người nhà chăm sóc cả tháng, rất tốn kém. Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân bị cúm nhưng tự điều trị hạ sốt và corticoid (Medrol 16mg/ngày). Ba ngày sau, bệnh nhân này tình trạng không cải thiện, sốt cao kèm khó thở nhiều, phải thở oxy sau đó thở máy. Khi vào Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân này rất nặng nề, sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, X-quang phổi mờ trắng xoá 2 bên phế trường, test nhanh cúm B dương tính. Bệnh nhân phải thở máy và lọc máu, xét nghiệm dịch phế quản có kết quả cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng. Bệnh nhân rơi vào nguy kịch rất nhanh, phải tiến hành can thiệp ECMO cấp cứu. Sau hơn 2 tháng nằm điều trị hồi sức tích cực với 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy và oxy liều cao, nữ bệnh nhân mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Mặc dù bệnh nhân sống sót nhưng phải chịu hậu quả tổn thương lâu dài.

Theo các bác sĩ, corticoid là thuốc chống viêm nhưng có tác dụng phụ là giảm sức chống đỡ của cơ thể. Việc lạm dụng thuốc này ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm, đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, ngoài tự ý dùng kháng sinh, thuốc chứa corticoid, nhiều người nhập viện do nhiễm vi khuẩn tụ cầu nhưng không biết khiến tính mạng rơi vào “thập tử nhất sinh”. Đó là trường hợp nữ bệnh nhân 55 tuổi ở Hải Phòng, được đưa đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng sau hơn 5 tháng đi chữa nhiều nơi không khỏi.

Ban đầu, nữ bệnh nhân chỉ mụn ở vùng kín, đau nhức và hơi sốt, đã đến bệnh viện ở Hà Nội trích mụn, sau đó dùng kháng sinh điều trị. Vài hôm sau, mụn lại xuất hiện cạnh vết thương cũ, sưng đỏ và sốt, chị lại đến một bệnh viện khác để thăm khám. Lần này, chị được nhập viện và phẫu thuật cắt lọc lấy hết mủ, chỉ định dùng kháng sinh. Về nhà không bao lâu, chị lại xuất hiện mụn nhỏ tiếp theo. Cứ thế, chị đi chữa gần 5 tháng nhưng bệnh vẫn dai dẳng, làm chị suy yếu, tinh thần hoảng loạn lo mình mắc bệnh nan y.

Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân sốt cao rét run, vùng hậu môn chảy mủ, nhiễm khuẩn huyết rất nặng. Các bác sĩ đã tìm ra “thủ phạm” gây bệnh cho chị là viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, đã kháng lại các thuốc kháng sinh thông thường khiến chị đi nhiều cơ sở y tế nhưng không chữa khỏi. Các bác sĩ phải kết hợp nhiều chuyên khoa để đưa ra phác đồ điều trị với liều kháng sinh trị được tụ cầu, mới cứu được nữ bệnh nhân.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, ở nước ta, mua thuốc kháng sinh đã dễ, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid càng dễ hơn, đã gây ra hậu quả nặng nề. Thuốc phải được dùng đúng chỉ định và liều lượng. Nếu dùng bừa bãi làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Vì thế, BS khuyến cáo, khi có bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám, được bác sĩ kê đơn và uống theo chỉ định, không tự ý mua và sử dụng thuốc, hoặc mua theo đơn cũ, theo lời mách bảo của người quen, vì sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Trần Hằng
.
.
.