Tết ở tuyến đầu điều trị thai phụ F0

Thứ Hai, 07/02/2022, 08:22

Các bác sĩ (BS) ở nơi điều trị F0 không có khái niệm Tết, bởi ngày Tết cũng như ngày thường, guồng quay công việc vẫn liên tục 24/24h điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong 6 ngày Tết, Hà Nội có hơn 16.000 F0 mới, 94 ca tử vong, trung bình mỗi ngày Thủ đô có gần 2.800 F0, số lượng thai phụ phải nhập viện lớn.

Có những ca cấp cứu ngay trong đêm mùng Một Tết, hay vật lộn đặt xong ống thở cho bệnh nhân, ngẩng lên đã bước sang thềm năm mới… Nhiều năm trực Tết, nhưng với các BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 – nơi đang điều trị cho 120 thai phụ nhiễm COVID-19 thì đây là cái Tết đặc biệt nhất.

Mỗi ngày là một vòng xoay quanh các thai phụ COVID-19

Bên trong Cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ở 38 phố Cảm Hội, quận Hai Bà Trưng đêm giao thừa sáng rực ánh đèn. Ở ngoài kia, nhà nhà đón giao thừa, còn ở đây, các bác sĩ và nhân viên y tế đang căng mình điều trị cho 120 sản phụ F0 từ trung bình đến nặng.

Tết ở tuyến đầu điều trị thai phụ F0 -0
Các bác sĩ đang thăm khám cho thai phụ chuyển nặng.

Tính đến đêm 30 Tết, có gần 10 thai phụ chuyển nặng, các bác sĩ phải theo dõi sát sao 24/24h. Cuộc chiến giành giật sự sống cho cả mẹ và con ở đây vẫn khốc liệt. Theo chia sẻ của các bác sĩ, thai phụ nhiễm COVID-19 chuyển biến nặng rất nhanh, chỉ trong vài chục phút có thể đã suy hô hấp, nên họ phải tập trung tất cả nhân lực và trang thiết bị để sẵn sàng xử trí.

Là một trong hơn 40 bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ở vòng trong, BS Tạ Việt Cường cho biết: “Chúng tôi không có khái niệm ngày Tết. Mỗi ngày là một vòng xoay quanh các bệnh nhân COVID-19”. Nhiều năm trực Tết nhưng với bác sĩ Cường, đây là 1 năm đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát khắp cả nước và đặc biệt là tại Hà Nội, với lượng bệnh nhân là các sản phụ rất lớn. Đáng nói, hệ lụy của COVID-19 với các sản phụ rất khó lường.

Trong đêm 30 Tết, Ths.BSCKII Trương Minh Phương, Phó trưởng Khoa Sản bệnh, Trưởng kíp điều trị thai phụ mắc COVID-19 đi kiểm tra từng bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. May mắn trong đêm giao thừa không có tình huống đột xuất lớn xảy ra, nên cả kíp trực có khoảnh khắc được đón Tết. “Chúng tôi được PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện đến thăm hỏi, động viên, đón giao thừa cùng anh chị em, đây là niềm động viên rất lớn với chúng tôi”, BS Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, sang ngày mùng 1 Tết xuất hiện tình huống đặc biệt. Một số thai phụ tiến triển nặng lên, BS phải cân nhắc đến việc kết thúc thai kỳ sớm để không nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con. Nặng nhất trong số đó là sản phụ T.T.K.D. (35 tuổi, trú tại Hải Dương), có tiền sử mổ đẻ, được chẩn đoán rau cài răng lược tại sẹo mổ đẻ cũ từ rất sớm, khi thai khoảng 20 tuần. Quá trình theo dõi, bánh rau càng ngày càng ăn sâu phá hủy lớp cơ tử cung và xâm lấn bàng quang.

Không may mắn, ở tuần thai 32, sản phụ được xác định dương tính và chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 ngày 23/1. Các bác sĩ đã theo dõi sát sao, cố gắng hết mức, cho sản phụ điều trị chống đông, kháng virus với hy vọng sớm khỏi COVID-19. Nhưng đến đêm mùng 1 Tết (1/2), sản phụ có hiện tượng vỡ ối, suy thai ở tuần thứ 34. Lúc này, BS Trương Minh Phương đã nhanh chóng hội chẩn với Ban Giám đốc Bệnh viện và nhận lệnh phẫu thuật ngay do tính cấp cứu của ca bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND về ca bệnh này, BS Phương cho biết: “Ban Giám đốc tại Cơ sở 1 trực tiếp chỉ đạo vòng ngoài, huy động cung cấp gần 3 lít máu và các chế phẩm máu, sẵn sàng phương án chi viện nhân lực từ vòng ngoài vào nếu cần thiết. Ở vòng trong, chúng tôi huy động đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để sẵn sàng cho ca phẫu thuật. Ca mổ kéo dài sang sáng mùng 2 Tết. Bé trai nặng 2,1kg chào đời vào rạng sáng ngày 2/2. Ê-kíp phẫu thuật cắt tử cung để cầm máu cho sản phụ do rau thai đã xâm lấn hết vị trí vết mổ, không còn khả năng cắt lọc bảo tồn. Đến nay, sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định, người mẹ đã xét nghiệm 1 lần âm tính”.

Biết con chào đời bình an, người mẹ xúc động trào nước mắt. Trước đó chị rất lo lắng, bởi nguy hiểm luôn rình rập cả mẹ và thai nhi. Cả gia đình chị vui mừng khôn xiết khi biết tin chị âm tính lần 1, con khỏe mạnh. Mong mỏi lớn nhất của người mẹ là nhanh chóng khỏi COVID-19 để được gặp đứa con yêu dấu.

Chia sẻ với tôi, BS Phương cho hay, không chỉ có ca cấp cứu này, mà trong những ngày Tết vừa qua, các bác sĩ ở đây đã mổ cấp cứu cho nhiều sản phụ F0 chuyển nặng, phức tạp, suy thai. Nhưng rất may mắn, trong kíp trực của anh suốt những ngày Tết, chưa có thai phụ F0 nặng nào phải chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Không có thời gian mà nhớ nhà

Trước diễn biến dịch COVID-19 tăng mạnh ở Thủ đô, theo phân công của UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế, Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tại 38 Cảm Hội) đã được triển khai điều trị cho thai phụ mắc COVID-19. Đây là bệnh viện chuyên biệt điều trị cho thai phụ mắc COVID-19 có tình trạng cấp cứu sản khoa và thể trạng trung bình trở lên. Bệnh viện đã nâng công suất lên 120 giường, có đủ phương tiện áp lực âm, đơn vị sơ sinh chuyên biệt để chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, thở máy, nhiễm trùng và suy hô hấp.

Chia sẻ với tôi, BS Nguyễn Công Định, phụ trách Cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, kể từ khi chuyển đổi công năng, Cơ sở 2 đã có 4 kíp BS (mỗi kíp vào 3 tuần) tham gia điều trị cho các thai phụ F0. Kíp điều trị xuyên Tết của BS Trương Minh Phương có 43 bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ở vòng trong. Tại phòng mổ áp lực âm của Bệnh viện, trong 5 ngày Tết vừa qua đón 30 em bé là con của các sản phụ F0 chào đời bình an, trong đó non tháng nhất là 32 tuần tuổi phải can thiệp lấy thai sớm do mẹ chuyển nặng. Có 1 cháu bé sinh mổ, 3 ngày sau xét nghiệm dương tính, đã được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Hiện tại, đơn nguyên sơ sinh ở đây đang chăm sóc và điều trị cho hơn 30 trẻ sơ sinh đủ tháng và non tháng đều âm tính. Sau 14 ngày, các bé có xét nghiệm âm tính được chuyển sang Cơ sở 1 để chăm sóc tiếp.

Trong cuộc đời nghề y của mình, BS Trương Minh Phương không nhớ hết bao nhiêu lần trực Tết, nhưng đây là cái Tết đặc biệt nhất của anh và các đồng nghiệp. “Công việc bận rộn đến mức chúng tôi không có thời gian mà nhớ nhà. Hết ca trực, mọi người đều tranh thủ nghỉ ngơi để lấy lại sức tiếp tục cho ca trực sau”, BS Phương nói.

Điều trị cho các thai phụ F0, BS Phương cùng đồng nghiệp không giấu được nỗi buồn khi tiếp nhận nhiều thai phụ chưa tiêm vaccine. Có tới 70% thai phụ F0 nhập viện chưa tiêm vaccine và các thai phụ này đều chuyển nặng rất nhanh. Nếu như 1 tháng trước, 100% thai phụ chuyển nặng đều chưa tiêm vaccine thì nay tỷ lệ này là hơn 90%, có bệnh nhân tiêm 2 mũi vẫn chuyển nặng. Tại Bệnh viện luôn có từ 7-10 thai phụ nặng và phải can thiệp lấy thai sớm để giảm áp lực lên người mẹ để người mẹ có cơ hội dùng thuốc điều trị COVID-19.

Đình chỉ thai kỳ là điều không ai mong muốn, song nếu không can thiệp kịp thời thì cơ hội sống cho cả mẹ và con rất mong manh. Chứng kiến các thai phụ chuyển nặng vật lộn với từng cơn ho dài, khó thở, một bên phổi trắng xóa ở đây, chúng tôi mới thấy sự tiếc nuối của họ khi chưa tiêm vaccine. Các BS cho biết, đáng tiếc nhất là các thai phụ đang ở tuần thai thứ 26, 27 trở nặng rất nhanh, xuất hiện suy hô hấp, khó thở với hình ảnh 1 bên phổi trắng xóa, để cứu mẹ, họ  phải hội chẩn với quyết định cuối cùng là đình chỉ thai kỳ và không có hi vọng cứu được thai nhi. Vì vậy, theo khuyến cáo của các BS, thai phụ đủ 13 tuần tuổi hãy tiêm vaccine sớm nhất có thể để bảo vệ an toàn tính mạng cho cả mẹ và con.

Trần Hằng
.
.
.