Tăng điều trị dự phòng để ngăn ngừa lây lan HIV
Sau 2 năm tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19, đến năm 2022, tại một số bệnh viện truyền nhiễm, tỷ lệ người đến khám, tư vấn, xét nghiệm HIV gia tăng, đặc biệt tăng mạnh trong giới trẻ.
Tại Việt Nam, mỗi tháng ghi nhận gần 1.000 người nhiễm HIV mới, trong đó hơn 80% bị lây nhiễm qua con đường tình dục, đặc biệt tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (SMS). Tình trạng học sinh, sinh viên nhiễm HIV gia tăng, có học sinh lớp 11 đã có H, thậm chí tại 1 huyện của tỉnh Long An, có 5 người nhiễm mới trong năm 2022 thì có tới 4 ca từ 17-19 tuổi.
Tỷ lệ lây nhiễm mạnh qua quan hệ tình dục
Tới Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào chiều 4/11, tại khu vực điều trị HIV/AIDS, tôi gặp rất nhiều người có H đến khám và lấy thuốc, trong đó đặc biệt có nhiều bạn trẻ. Năm nay 23 tuổi, N.M.T (Hà Nội) cho biết, mình tự test HIV phát hiện dương tính vào tháng 12/2021. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại tự test HIV, T rụt rè chia sẻ: "Do nghi ngờ nên em mua que thử HIV về tự test". Ngập ngừng rất lâu T mới kể, cậu có quan hệ đồng giới, sau biết bạn tình và một số người bạn khác bị HIV, lo lắng cậu mới thử. "Trước lúc test em thấy sức khoẻ bình thường, nhưng sợ que test chưa chính xác, được các bạn giới thiệu, em đến đây để làm xét nghiệm khẳng định", T nói.
Biết tin mình bị HIV khi mới 22 tuổi, chàng thanh niên đã "sốc", buồn bã, lo lắng một thời gian dài. "Lúc đó em rất hoang mang, thấy tương lai mờ mịt, có thể mình không sống được bao lâu nữa". Do tải lượng virus thấp, được phát hiện sớm nên các bác sĩ tư vấn điều trị thuốc ARV, nếu tuân thủ uống thuốc, có thể sống được 50- 60 năm, nên T dần xốc lại tinh thần. "Em mua bảo hiểm y tế tự nguyện 800.000 đồng/năm, mỗi lần đến đây lấy thuốc, làm các xét nghiệm chỉ hết 50.000 đồng. Bây giờ em đã thoải mái hơn, uống thuốc vào thấy khoẻ hơn", T nói.
Giống như T, một số bạn trẻ cho biết, bị lây nhiễm HIV qua con đường quan hệ tình dục. Có bạn sau cơn "mê muội" của thú vui "quan hệ tình dục tập thể", đã phải nhận cái kết đắng. Có bạn lây HIV từ bạn tình, mà nhóm lây nhiều nhất lại là MSM.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, hiện trung tâm đang điều trị cho cho 1.691 bệnh nhân HIV bằng thuốc ARV, trong đó 30% là cộng đồng MSM (hơn 500 người). Phát hiện nhiễm HIV đã 3 năm nay, N.V.H (28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: "Em chưa nói chuyện này với gia đình, chỉ nói với bạn". Rất dè dặt, H kể, mình có người yêu là một bạn nam, tình cờ trong một lần đi khám sức khoẻ định kỳ thì phát hiện nhiễm HIV.
"Sốc lắm, nhưng giờ em đã trấn định lại rồi, tuân thủ điều trị thuốc ARV và sử dụng bao cao su khi quan hệ", chàng trai nói. H còn tích cực tuyên truyền đến bạn bè là đối tượng nguy cơ cao điều trị dự phòng chống phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus (PrEP). Đến nay trong nhóm bạn của H sử dụng PrEP chưa có ai bị lây nhiễm HIV, sức khoẻ rất tốt.
Bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, CụcPhòng, chống HIV/AIDS cho biết, những năm 2010-2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng nhau. Nhưng đến năm 2020-2021, đường lây qua máu giảm chỉ còn 12-13%, trong khi lây qua đường tình dục tăng từ 35% năm 2010 lên hơn 80% vào năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất, HIV có xu hướng trẻ hoá nhanh, ở nhóm người dưới 30 tuổi (những năm 2012-2013)tỷ lệ nhiễm HIV chỉ dưới 5%, nhưng đến năm 2022, con số này tăng rất cao lên 50%. Đường lây chính trong nhóm tuổi này chủ yếu lây qua đường tình dục.
Mở rộng điều trị dự phòng PrEP
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 ca nhiễm HIV mới, 1.378 ca tử vong. Đến nay, Việt Nam đã có 220.580 ca nhiễm HIV và 112.368 ca tử vong. Theo phân bố người nhiễm HIV mới phát hiện đến tháng 10/2022, có tới 36% ca tại Đồng bằng sông Cửu Long, 28% ca tại TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 3/2022, số ca nam mắc HIV chiếm 87,3%, tăng cao trở lại bằng những năm 1997.
Theo bà Cao Kim Thoa, năm 2022, dịch HIV/ADIS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng lại diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng ca nhiễm mới ở một số nhóm nguy cơ cao (SMS, thanh thiếu niên) và còn xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Bởi, nhóm SMS hiện khá phức tạp, một đồng giới nam thường có đến 3 -5 bạn tình và quan hệ tình dục ít đeo bao cao su, dẫn tới lây nhiễm HIV cao. Việc tiếp cận nhóm này để họ sử dụng PrEP dự phòng không lây nhiễm cũng rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Hiện nay, phần lớn phải dựa vào các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM. Nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư, tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì thế, các nhóm CBO là "cánh tay nối dài" của cơ quan y tế để tiếp cận, kết nối khách hàng đến tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị thuốc ARV cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
Theo bà Thoa, hiện cả nước có hơn 60.000 người sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao 72%. Nếu không có số người dùng PrEP này thì dịch còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn, để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 thì phải mở rộng và tăng đối tượng sử dụng.
Năm 2023, mục tiêu thêm 18.000 người dùng PeEP thì mới mong giảm ca nhiễm mới. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm - cơ sở y tế đầu tiên của Hà Nội điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng PrEP, đến nay trung tâm đang điều trị PrEP cho 400 và 100 người di động (đến tận nhà, nơi làm việc cung cấp dịch vụ).
"Dù trung tâm chỉ có 9 nhân viên chuyên trách, nhưng chúng tôi vẫn phải làm ngày đêm, 1 năm 360 ngày không bao giờ đóng cửa để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giúp các đối tượng nguy cơ cao SMS điều trị dự phòng để không bị lây nhiễm. Với 500 người dùng PrEP chúng tôi thấy còn ít, thời gian tới phải phải phát triển hơn nữa", bà Trang mong muốn.