Tăng cường quản lý, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ung thư gan

Thứ Ba, 10/05/2022, 18:41

Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Đây cũng là căn bệnh có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do TNGT năm 2020 (6.700 ca).

Chiều 10/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Roche Pharma Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình “Quản lý Ung thư gan – Live Longer tại Việt Nam 2022-2023", nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức về ung thư gan, góp phần tối ưu chẩn đoán và gia tăng hiệu quả điều trị ung thư gan tại Việt Nam.

Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và ông Lennor Carrillo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roche Pharma Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ung thư nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng là những bệnh không lây nhiễm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây cũng là những bệnh được ưu tiên đưa vào Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 vì gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ người mắc và tử vong cao.

Tăng cường quản lý, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ung thư gan -0
PGS.TS Lương Ngọc Khuê và ông Lennor Carrillo ký biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Lê Hảo)

Sáng kiến triển khai “Chương trình Quản lý ung thư gan – Live Longer tại Việt Nam giai đoạn 2022 -2023” hợp tác giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Roche Pharma Việt Nam cùng các Hội chuyên ngành và các Bệnh viện chuyên khoa ung bướu có mục tiêu gắn liền với các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, biên bản ghi nhớ hợp tác được ký để cùng nhau cam kết hướng tới đạt được mục tiêu về tăng cường quản lý ung thư gan tại Việt Nam và từng bước triển khai các giải pháp để vượt qua thách thức do căn bệnh này mang lại.

Trong 2 năm 2022-2023, chương trình thực hiện các mục tiêu như: Góp phần tăng cường nhận thức về ung thư gan cho công chúng, bao gồm người có nguy cơ cao (trung hạn) và người dân nói chung (dài hạn).

Góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị ung thư gan, bao gồm: Nâng cao năng lực hệ thống y tế thông qua các hành động về khám, phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị, quản lý bệnh; hoàn thiện các hướng dẫn điều trị ung thư gan; xây dựng tiêu chí để triển khai và đánh giá hiệu quả hoạt động đa mô thức trong điều trị ung thư gan.

Tăng cường khả năng tiếp cận các liệu pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn cho cho bệnh nhân ung thư gan.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, với vai trò chỉ đạo, điều hành, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp hợp tác với các bên liên quan để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác “Chương trình Quản lý ung thư gan – Live Longer”, góp phần đảm bảo người bệnh được hưởng lợi ích lâu dài, bền vững khi được tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh.

Chương trình Quản lý Ung thư gan – Live Longer là sáng kiến của Roche Pharma Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức về ung thư gan, góp phần tối ưu chẩn đoán và gia tăng hiệu quả điều trị ung thư gan tại Việt Nam.

Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do TNGT năm 2020 (6.700 ca).

Các triệu chứng lâm sàng sớm nhất của ung thư gan thường không điển hình và dễ bị bỏ qua. Tình trạng viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) tiến triển thành ung thư gan sau khoảng từ 20 đến 30 năm. Ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì nhận thức của người dân và thói quen không thường đi khám sức khỏe định kỳ.

Phát hiện sớm ung thư gan đối với nhóm nguy cơ cao là một giải pháp giúp giảm gánh nặng ung thư biểu mô tế bào gan. Khi được phát hiện sớm, các liệu pháp điều trị hiệu quả cho ung thư gan giai đoạn sớm như phẫu thuật cắt gan hay ghép gan cải thiện đáng kể cơ hội sống cho bệnh nhân.

Vì thế, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, phát hiện sớm bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn y tế và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các liệu pháp điều trị phù hợp nhất ở từng giai đoạn là các giải pháp hiệu quả trong phòng và điều trị ung thư gan.

Tr.Hằng
.
.
.